Cầu Crimea (Ảnh: AFP).
Phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 2/8, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov cho biết "mọi công việc đang được tiến hành" để phá hủy cầu Kerch (hay cầu Crimea) nối đất liền Nga với bán đảo Crimea và là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho quân đội Nga ở Ukraine.
"Mọi người đang thực hiện các cuộc tấn công tầm xa và phá hủy cầu Crimea. Tất cả những điều này đòi hỏi một giải pháp phức tạp", ông Budanov nói.
Khi được hỏi liệu cây cầu có thể bị phá hủy trong vài tháng tới không, ông trả lời: "Có khả năng đó".
Hồi tháng 6, ông Budanov tuyên bố Kiev có thể sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để nhắm mục tiêu vào cầu Crimea.
Ông Budanov cho rằng một cuộc tấn công vào cây cầu bằng tên lửa ATACMS của Mỹ có thể phá hủy cây cầu một lần và mãi mãi. Ông nói những người cho rằng ATACMS không đủ mạnh để phá hủy cây cầu "nên đọc hướng dẫn kỹ thuật".
Theo Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW), việc Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tấn công vào các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát có thể dẫn tới kịch bản Kiev dùng tên lửa ATACMS bắn vào cầu Crimea.
Tuy nhiên, dù cầu Crimea có bị tấn công, Nga hiện vẫn có tuyến đường trên bộ chạy từ lãnh thổ nước này qua các khu vực Mariupol, Berdiansk mà Moscow đang kiểm soát để tới được Crimea. Nga đã xây dựng hệ thống đường sắt theo tuyến này.
Mặc dù vậy, cầu Crimea có ý nghĩa về mặt biểu tượng, nên Ukraine dường như vẫn muốn nhắm mục tiêu vào công trình này.
Cầu Kerch nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo mà Nga sáp nhập vào năm 2014. Trong suốt cuộc chiến hơn 2 năm qua giữa Nga và Ukraine, cây cầu đã trở thành tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Moscow ở mặt trận phía nam.
Một số cơ quan truyền thông phương Tây nhận định các cuộc tấn công vào cầu Crimea là không thể tránh khỏi. Vào tháng 2, chỉ huy Hải quân Ukraine, Phó Đô đốc Aleksey Neizhpapa, tuyên bố cây cầu sẽ bị phá hủy vào năm 2024.
Trong một bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn An ninh Aspen vào tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố cầu Crimea là mục tiêu hợp pháp của Ukraine và phải bị "vô hiệu hóa".
Ukraine từng tấn công cây cầu qua biển trong một số lần trước đó. Cây cầu đã bị hư hại nặng nề do các cuộc không kích của Ukraine vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023, khiến Nga phải thực hiện các bước để bảo vệ công trình này chặt chẽ hơn.
Một cần cẩu xây dựng đã được phát hiện ở eo biển Kerch vào tháng trước và số lượng sà lan bảo vệ cây cầu khỏi phương tiện không người lái của hải quân Ukraine cũng tăng lên.
Hải quân Ukraine vào tháng 6 nói rằng việc phá hủy cầu Crimea sẽ không có tác dụng vào thời điểm hiện tại vì Nga hầu như không còn sử dụng công trình này cho mục đích quân sự.
Trong khi đó, Vasyl Maliuk, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), không loại trừ khả năng Nga có thể cố gắng sử dụng lại công trình này để tiếp tế vũ khí sau khi cầu được khôi phục hoàn toàn.
Theo Kyiv Independent
Nguồn: Báo điện tử Dân trí