Lực lượng Ukraine khai hỏa pháo ở Donetsk (Ảnh: Reuters).
Trong cuộc điện đàm ngày 23/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về tình hình trên chiến trường và nhu cầu cấp thiết của binh sĩ Ukraine.
Đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa người đứng đầu lực lượng quốc phòng Ukraine và Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông sẽ dừng nỗ lực tái tranh cử và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng viên tổng thống đảng Dân chủ vào cuối tuần trước.
"Hôm nay, tôi đã có một cuộc điện đàm hiệu quả với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Chúng tôi đã thảo luận về những diễn biến gần đây trên tiền tuyến và các nhu cầu cấp thiết trên chiến trường. Tôi một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cấp bách của việc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí tầm xa", ông Umierov nói.
Bộ trưởng Umierov nhấn mạnh rằng Ukraine có quyền phá hủy các sân bay của Nga, nơi các máy bay chiến đấu cất cánh để ném bom các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Theo Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với Ukraine trong cuộc điện đàm.
"Trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng đã tái khẳng định sự ủng hộ không ngừng của Mỹ đối với Ukraine trước cuộc chiến của Nga", Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder, cho biết.
Hôm 18/7, phát biểu trước các lãnh đạo và quan chức từ 43 quốc gia châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu ở Anh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi các đồng minh cho phép Kiev tấn công các sân bay quân sự và bãi phóng tên lửa nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
"Chúng ta càng có ít hạn chế hơn trong việc sử dụng vũ khí hiệu quả, Nga sẽ càng tìm kiếm hòa bình. Điều này sẽ không chỉ loại bỏ một số mục tiêu mà còn làm giảm khả năng tiếp tục cuộc chiến này của Nga", ông Zelensky nói.
Tổng thống Zelensky nhận định, việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ tạo ra "kết quả tức thì" và có thể thúc đẩy cuộc phản công của Ukraine tại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Mỹ ngày 1/6 đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp, trong đó có tên lửa HIMARS, để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nằm gần biên giới với tỉnh Kharkov, sau khi Moscow mở đợt tấn công mới vào khu vực này hồi tháng 5.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn bị cấm sử dụng tên lửa ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Nga.
Động thái của Ukraine diễn ra bất chấp cảnh báo cứng rắn của Moscow. Nga tuyên bố những cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa là sự tham gia trực tiếp của Washington và các đồng minh vào cuộc xung đột.
Ukraine muốn tự lực cánh sinh về vũ khí
Ukraine đang hướng tới mục tiêu tự sản xuất tên lửa, thay vì phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.
"Chương trình tên lửa của chúng tôi đang có tiến triển tốt. Mặc dù đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, song chúng tôi đang dần tiếp cận khả năng sử dụng tên lửa của riêng mình, chứ không chỉ dựa vào tên lửa do đối tác cung cấp", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu vào tối 23/7.
Ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine cuối cùng sẽ đạt được "sự độc lập tối đa về phòng thủ". Tổng thống Ukraine tin rằng những quốc gia như vậy luôn dễ dàng tìm được những đồng minh hiệu quả và đáp ứng được lợi ích của mình.
Theo Pravda