Giới chức Ukraine kiểm tra mảnh vỡ tên lửa mà họ cho là do Triều Tiên sản xuất và chuyển cho Nga, nhận định nửa số này phát nổ trên không.

Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin ngày 7/5 nhận định "tỷ lệ hỏng hóc của vũ khí Triều Tiên dường như rất cao", sau khi các quan chức dưới quyền kiểm tra mảnh vỡ của 21 trong số 50 "tên lửa đạn đạo Triều Tiên" mà Nga phóng từ cuối tháng 12/2023 đến cuối tháng 2.

"Khoảng một nửa số tên lửa Triều Tiên bay chệch quỹ đạo được lập trình sẵn và phát nổ trên không. Chúng tôi không thu hồi được mảnh vỡ trong những trường hợp này", theo thông cáo từ văn phòng của ông Kostin.

Nga và Triều Tiên chưa bình luận về thông tin trên.

Tổng công tố Ukraine cho biết sẽ tiếp tục điều tra về việc Nga dùng tên lửa Triều Tiên tập kích nước này. Dù không thể thu thập được mảnh vỡ tên lửa Hwasong-11, còn gọi là KN-23, tại nơi bị tập kích, họ xác định được loại tên lửa này "nhờ xem xét quỹ đạo bay, tốc độ và địa điểm phóng".

1 Ukraine Noi Nhieu Ten Lua Trieu Tien Ma Nga Phong Phat No Tren Khong

Mảnh vỡ tên lửa không rõ loại mà Nga phóng nhằm vào tỉnh Kharkov, Ukraine ngày 6/1. Ảnh: Reuters

Theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine, lần cuối cùng Nga sử dụng tên lửa Hwasong-11 là ngày 27/2. Tổng số lần phóng "trùng khớp với thông tin tình báo về việc Triều Tiên chuyển khoảng 50 tên lửa đạn đạo cho Nga", với địa điểm phóng được đặt tại các tỉnh Belgorod, Voronezh và Kursk.

Trong số 21 mảnh tên lửa họ thu thập có ba mảnh tại thủ đô Kiev và tỉnh cùng tên. Các mảnh còn lại được lấy về từ tỉnh Kharkov, Poltava, Kirovohrad và vùng Ukraine kiểm soát ở tỉnh Donetsk.

Các công tố viên Ukraine không cho biết liệu phòng không nước này có đánh chặn được số tên lửa nói trên hay không. Tên lửa đạn đạo thường khó bị đánh chặn vì quỹ đạo và tốc độ rất cao của chúng khi lao xuống mục tiêu.

Nhiều nước phương Tây cáo buộc Triều Tiên đã gửi vũ khí tới Nga, song chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các đợt tập kích nhằm vào Ukraine. Nga và Triều Tiên nhiều lần bác bỏ thông tin này.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc lo ngại việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga có thể kết thúc gần hai thập kỷ đồng thuận giữa các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong ngăn Bình Nhưỡng mở rộng chương trình hạt nhân và tên lửa.

Nga tháng 3 phủ quyết gia hạn hoạt động của nhóm giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên. Nga giải thích quyết định được đưa ra do nhóm này "đã mất tính khách quan và các cường quốc cần cách tiếp cận mới" với Triều Tiên.

Trước khi dừng hoạt động, nhóm này trình báo cáo cho biết tên lửa đạn đạo Hwasong-11 do Triều Tiên sản xuất đánh trúng thành phố Kharkov lớn thứ hai Ukraine. Tên lửa Hwasong-11 có hình dáng giống đạn của tổ hợp 9K720 Iskander Nga và Hyunmoo-2B của Hàn Quốc.

2 Ukraine Noi Nhieu Ten Lua Trieu Tien Ma Nga Phong Phat No Tren Khong

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Nguyễn Tiến (Theo Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC