Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới Hans Kluge ngày 29/1 cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với “một nghịch lý đại dịch”. Một mặt vaccine mang lại hi vọng đáng kể, song mặt khác những biến thể mới lại khiến cuộc chiến trở nên không chắc chắn.
“Có một nhận thức chung là sẽ không ai được an toàn, cho đến khi tất cả mọi người được an toàn. Tuy nhiên, một nghịch lý là khi cộng đồng cảm thấy dịch bệnh sắp kết thúc nhờ có vaccine, thì cũng gần như cùng lúc học được kêu gọi tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế trước sự xuất hiện của một mối đe dọa mới. Điều này gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi, tức giận và bối rối. Đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay”, ông Kluge nói.
Theo các số liệu thống kê mới nhất, số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 100 triệu, trong đó hơn 1/4 số trường hợp là tại Mỹ.
Tuy nhiên, ngay cả khi vaccine dường như có thể giúp thế giới thoát ra khỏi đại dịch, thì những lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung đã đe dọa làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng ở Mỹ và châu Âu. Tây Ban Nha mới đây thông báo việc tiêm chủng sẽ bị đình trệ trong 2 tuần ở thủ đô Madrid do nguồn cung đang dần cạn kiệt. Trong khi đó Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo, tình trạng thiếu vaccine có thể còn kéo dài đến tháng 4.
Trong cuộc họp tổng kết đầu tiên về tình hình dịch Covid-19, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây thừa nhận, chiến dịch tiêm phòng vaccine của nước này, vốn được mô tả là tham vọng nhất trong lịch sử quốc gia, sẽ phải mất một thời gian để tiếp cận hầu hết người Mỹ khi chính quyền mua được nhiều liều vaccine hơn và mở rộng nhóm người đủ tiêu chuẩn được tiêm vaccine.
“Sự thật là sẽ phải mất vài tháng trước khi phần lớn người Mỹ được tiêm chủng. Trong vài tháng tới, khẩu trang, chứ không phải là vaccine, mới là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống Covid-19. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu người dân Mỹ đeo khẩu trong trong 100 ngày đầu tiên của tôi trên cương vị mới”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Cuộc chạy đua để tiêm chủng cho người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương diễn ra khi các nhà khoa học cũng đang đẩy nhanh cuộc chiến chống lại những biến thể mới dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2. Đặc biệt trong đó là biến thể tại Nam Phi mà các chuyên gia lo ngại có khả năng kháng một số phương pháp điều trị bằng kháng thể và vaccine.
Ảnh minh họa: Sky News
Hiện nay cả Pfizer, BioNTech và Moderna đều khẳng định vaccine của mình hiệu quả với những biến thể mới. Trong khi đó, Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ Anthony Fauci nhấn mạnh, giới khoa học đã có sự chuẩn bị nhằm đối phó với khả năng virus tiếp tục phát triển và có thể đạt đến mức vượt ngưỡng mà vaccine không còn hiệu quả như mong muốn.
Trước tốc độ lây lan của những biến thể mới, thắt chặt kiểm soát biên giới bên ngoài cũng là lựa chọn hàng đầu của chính phủ nhiều nước.
Tại Đức, bắt đầu từ hôm nay, công dân đến từ những nước Brazil, Anh, Bồ Đào Nha và Nam Phi sẽ không được nhập cảnh nước này, trong khi Canada cũng yêu cầu xét nghiệm và cách ly bắt buộc 3 ngày trong khi chờ kết quả đối với tất cả khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, ngay từ ngày mai, mọi chuyến bay nối Canada với những nước vùng Caribbe và Mexico sẽ phải tạm dừng cho tới hết tháng 4.
Bên cạnh kiểm soát biên giới, các nước cũng tăng cường các quy định ở trong nước, đặc biệt là tìm kiếm và trừng phạt những người vi phạm.
Tại Thái Lan, cảnh sát hồi tuần này đã đột kít một quán ba trên đảo Kor Phangan, bắt giữ ít nhất 89 người nước ngoài, cùng 22 công dân vì cáo buộc vi phạm quy định khi tham gia một bữa tiệc bất hợp pháp. Tại Anh, một số nhân vật có ảnh hưởng và ngôi sao truyền hình thực tế mới đây đã bị các nhà lập pháp và người hâm mộ chỉ trích mạnh mẽ vì vẫn ra nước ngoài bất chấp lệnh phong tỏa..
Thu Hoài
Nguồn: VOV1