Giá cả ở Đức tăng vọt giữa cuộc khủng hoảng Ukraina. Ảnh: AFP
Ngoài việc uống nước lọc từ vòi chảy ra, tạp chí Đức cũng khuyên độc giả nên mua thực phẩm theo mùa và sản phẩm địa phương, đồng thời xem các chương trình giảm giá.
Theo ấn phẩm, chiến dịch hoạt động quân sự của Nga ở Ukraina và các lệnh trừng phạt Nga đã gây thêm vấn đề cho chuỗi cung ứng và làm tăng giá năng lượng. Điều này đã ảnh hưởng đến một loạt hàng hoá và giá cả trên khắp các chuỗi siêu thị của Đức.
Chẳng hạn, giá các mặt hàng cơ bản như mì ống và dầu hướng dương đã tăng lần lượt 40% và 100%. Chất tẩy rửa, nước khoáng, các sản phẩm từ sữa, cà phê và giấy vệ sinh cũng đắt hơn. Chuỗi siêu thị nổi tiếng Aldi đã tăng giá 140 mặt hàng khác nhau vào tuần trước và các siêu thị khác có khả năng sẽ làm theo, theo Focus.
Tuy nhiên, ấn phẩm đã đưa ra một số biện pháp để giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền. Để bắt đầu, độc giả nên uống nước máy thay vì mua nước đóng chai. Ấn phẩm thậm chí còn liệt kê một số công ty sản xuất hệ thống lọc nước ở Đức có thể giúp cải thiện mùi vị của nước máy.
Hình ảnh những chiếc kệ trống tại các siêu thị đang trở nên phổ biến hơn ở Châu Âu khi nguồn cung cấp thực phẩm và hàng hoá cơ bản bị ảnh hưởng. Trong ảnh là một kệ hàng trong siêu thị ở Đức trống trơn ngày 20.3.2022. Ảnh: Hoàng Nguyên Bình
Tạp chí cũng nói rằng người dân nên mua trái cây và rau quả theo mùa vì chúng luôn rẻ hơn nhiều do chi phí hậu cần thấp.
Ngoài ra, ấn phẩm khuyến nghị khách hàng nên chọn các thương hiệu địa phương và không có quảng cáo thay vì các thương hiệu phổ biến. Hầu hết mọi chuỗi siêu thị đều có dòng sản phẩm rẻ hơn của riêng mình. Vì luôn được hỗ trợ bởi các nhà sản xuất lớn hơn, các mặt hàng gần như giống nhau hoặc chỉ khác một chút, nhưng giá có thể thấp hơn tới 60%.
Cuối cùng, tạp chí nói rằng độc giả nên theo dõi chặt chẽ việc bán hàng và giảm giá, đồng thời tích trữ những loại hàng hoá có hạn sử dụng dài.
Trung bình, giá tiêu dùng ở Đức vào tháng trước cao hơn 5,5% so với tháng 2.2021, số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis) cho thấy. Các nhà phân tích cho rằng mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu tình hình ở Ukraina không được giải quyết.
Theo Viện Kinh tế Đức, bản thân cuộc khủng hoảng, cũng như các lệnh trừng phạt liên quan của phương Tây và các biện pháp trừng phạt đáp trả của Nga, có thể khiến lạm phát tăng cao tới 6,1% trong những tháng tới.
Nguồn: Báo Lao Động