Ngày 8/3, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết, người dân Đức sẽ “không thể di chuyển” nếu không có dầu nhập khẩu của Nga. Trong khi Mỹ và Anh thông báo sẽ ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga, Đức lại đang phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moscow và sẽ rất khó từ bỏ.

“1/3 lượng dầu nhập khẩu của chúng tôi đến từ Nga. Nếu chúng tôi ngăn chặn điều này ngay lập tức, ngày mai chúng tôi sẽ không thể di chuyển ở Đức nữa”, bà Baerbock nói.

“Chúng tôi đang cố gắng làm mọi thứ có thể để ngăn chặn cuộc chiến này”, bà Baerbock nói, đề cập đến cuộc x̵u̵n̵g̵ ̵đ̵ộ̵t̵ đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

1 Cam Nhap Khau Dau Cua Nga Se Khien Nguoi Dan Duc Khong The Di Chuyen

Chính phủ Đức đã tìm cách kiềm chế bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với ngành năng lượng của Nga.

Hôm 7/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra một tuyên bố cho rằng dầu và khí đốt của Nga là “thiết yếu” đối với an ninh năng lượng của châu Âu.

“Hiện tại, nguồn cung cấp năng lượng cho sản xuất nhiệt, di chuyển, cung cấp điện và công nghiệp của châu Âu không thể được đảm bảo bằng bất kỳ cách nào khác ngoài việc nhập khẩu từ Nga. Bởi vậy, dầu từ Nga đóng vai trò quan trọng thiết yếu trong việc cung cấp các dịch vụ công và trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, tuyên bố nêu rõ.

Ngoài việc phụ thuộc vào Nga tới 1/3 lượng dầu nhập khẩu, Đức còn dựa vào Nga với hơn 1/2 tổng nguồn cung cấp khí đốt. Do đó, lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga từ Đức ít có khả năng xảy ra hơn so với từ Mỹ hoặc Anh.

Chính phủ Anh ngày 8/3 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Tuyên bố của Anh được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, cả hai quốc gia này chỉ nhập khẩu khoảng 8% lượng dầu từ Nga.

Sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng Nga cho thấy việc Berlin thúc đẩy năng lượng xanh đã không mang lại kết quả như mong muốn. Các nhà máy than tại Đức đã được khởi động lại vào năm 2021 do không có đủ năng lượng gió để cung cấp cho các cối xay gió.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 8/3 nói rằng EU sẽ giảm 2/3 nhu cầu đối với khí đốt của Nga trước cuối năm 2022 và loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030.

Nguồn: VOV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC