Người đứng đầu văn phòng, cũng là phụ tá thân cận nhất của Thủ tướng Olaf Scholz-ông Wolfgang Schmidt, Chánh văn phòng kiêm Bộ trưởng liên bang phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt. Ông là người giám sát 870 nhân viên thuộc 7 phòng, ban trong phủ thủ tướng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chánh văn phòng Wolfgang Schmidt. Ảnh: tagesspiegel.de
Theo Markus Tons, một nhà lập pháp cấp cao của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), ông Schmidt là người đặc biệt vì “thủ tướng rất tin tưởng, thường xuyên lắng nghe ý kiến và giao cho ông ấy nhiều nhiệm vụ quan trọng”.
Ông Schmidt cũng là người đứng đầu nhóm cố vấn của thủ tướng, gồm Thứ trưởng Bộ Tài chính Jörg Kukies, Cố vấn Chính sách đối ngoại và An ninh Jens Plötner, Phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Hebestreit, cựu Chánh văn phòng Thủ tướng Jeanette Schwamberger. Những người này đều đã làm việc với ông Scholz từ trước khi ông trở thành thủ tướng, song mối quan hệ giữa Thủ tướng Scholz với ông Schmidt được đánh giá là mối quan hệ khăng khít nhất.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Berlin vào tháng trước để thảo luận về đề xuất Đức cung cấp xe tăng cho Ukraine, ông đã có cuộc gặp gỡ với ông Schmidt. Phụ tá của Thủ tướng Scholz cũng là người theo dõi quan hệ Pháp-Đức khi thường xuyên trao đổi trực tiếp với cố vấn hàng đầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Alexis Kohler.
Trong một số trường hợp, khi Thủ tướng Scholz không có mặt, ông Schmidt cũng đảm nhận việc tiếp đón các nhà lãnh đạo của một số nước như Moldova và Colombia tại văn phòng thủ tướng. Ít ai biết, bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Scholz tại Hội nghị An ninh Munich vừa qua cũng mang đậm dấu ấn của kiến trúc sư Schmidt, theo bật mí của tờ Politico.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Niels Annen nhận định, ông Schmidt đã tham gia tích cực vào chính sách đối ngoại trong nhiều năm, xây dựng được nhiều mối quan hệ quốc tế và tất nhiên, chính phủ liên bang được hưởng lợi từ điều đó.
Lý giải về vai trò và ảnh hưởng của mình đối với các chính sách của Thủ tướng Scholz, người đứng đầu văn phòng thủ tướng cho biết ông “không nhúng tay vào chính sách đối ngoại” mà chỉ giới hạn công việc trong các nhiệm vụ hành chính và chính trị trong nước. Dù vậy, vai trò quan trọng không thể phủ nhận của ông Schmidt từng gây ra tranh cãi về việc ai mới thực sự là người kiến tạo các chính sách đối ngoại của Đức, ông Schmidt hay Ngoại trưởng Annalena Baerbock.
HIỀN MINH
Theo QĐND