Trong cuộc họp Bộ trưởng nội vụ các nước Liên minh Châu Âu diễn ra đầu tuần này, Bộ trưởng nội vụ Đức Nancy Faeser đã lên tiếng kêu gọi Liên minh Châu Âu cần đoàn kết trong vấn đề người tị nạn, để tránh một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2015. Đặc biệt, bà Faeser cũng đề xuất đưa ra hạn ngạch người tị nạn trong Châu Âu.
“Chúng ta tiếp nhận tất cả những người tị nạn từ Ukraine một cách nhanh nhất và bảo vệ họ trong toàn Liên minh Châu Âu. Chúng ta cần phải nhanh chóng có sự phân phối những người tị nạn trong toàn khối và cần phải có sự đoàn kết trong vấn đề này. Chúng tôi cho rằng, EU cũng cần phải xác định cụ thể những điều quan trọng, như là tạo làn đường vận chuyển người tị nạn an toàn như thế nào từ điểm A đến điểm B”, bà Faeser nói.
Trước đó, Đức và Ba Lan đã gửi một bức thư tới Uỷ ban Châu Âu về vấn đề tương tự và cho rằng nguồn lực cũng như năng lực tiếp nhận của từng nước riêng lẻ sẽ không đủ để đối phó với dòng người ngày càng gia tăng. Theo Bộ nội vụ Đức và Ba Lan, hiện hai quốc gia này đã có tới 2 triệu người từ Ukraine tới xin tị nạn.
Tuy nhiên, đề xuất của Đức và Ban Lan đã bị Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson bác bỏ: “Chúng ta sẽ không làm việc dựa trên bất cứ hạn ngạch hay bất cứ sự phân bổ cụ thể nào liên quan quan đến người nhập cư. Tiếp nhận người nhập cư là vấn đề tự nguyện của các nước thành viên dựa trên sự nhất trí rằng, ‘chúng ta cần phải làm nhiều hơn’. Và các nước vẫn đang làm điều này. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mỗi thành viên nên dang rộng vòng tay để đón người tị nạn như chúng ta đã làm”.
Bà Ylva Johansson nhấn mạnh, việc phân bổ hạn ngạch người tị nạn cho mỗi quốc gia có thể lặp lại sự thất bại của cuộc khủng hoảng di cư của Liên minh Châu Âu năm 2015- 2016 khi 27 quốc gia thành viên tranh cãi gay gắt về việc phân chia hạn ngạch người lánh nạn từ Syria. Thay vì phân phối người tị nạn theo hạn ngạch, Liên minh Châu Âu đã huy động được khoảng 17 tỷ euro nhằm hỗ trợ các nước thành viên ứng phó với cuộc khủng hoảng, trong đó gồm xây dựng địa điểm tiếp nhận, sắp xếp nơi cư trú cũng như an sinh tối thiểu cho người tị nạn.
Trước tình hình trên, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu soạn thảo một chỉ số để cân nhắc ảnh hưởng tương đối do xun g độ t tại Ukraine đối với từng quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu, trong đó có tính đến quy mô dân số. Theo chỉ số này, hiện Ba Lan đang đối mặt với thách thức lớn nhất, tiếp theo là Áo, Cộng hòa Síp (Cyprus), Cộng hòa Séc và Estonia.
Theo bà Dubravka Suica, Ủy viên châu Âu về dân chủ và nhân khẩu học, có một sự thay đổi nhân khẩu học mạnh mẽ đang diễn ra ở Châu Âu. Ba Lan đã tiếp nhận khoảng một triệu trẻ em Ukraine, gần gấp 3 lần số ca sinh bình thường hằng năm ở quốc gia này. Cộng hòa Séc cũng đang nhận số người tị nạn bằng 3% dân số.
Bộ trưởng Nội vụ Séc Vit Rakusan bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi đã tiếp nhận hơn 300 nghìn người tị nạn từ Ucraina trong khi dân số của chủng tôi có khoảng 10 triệu người. Chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn và tin rằng con số này chưa dừng lại. Chúng tôi mong đợi sự đoàn kết của Liên minh Châu Âu về vấn đề này”.
Theo thống kê mới nhất của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), đã có tới 3,9 triệu người Ukraine rời bỏ đất nước sang các nước trong Liên minh Châu Âu để lánh nạn. Con số này có thể lên đến 8 triệu người nếu cuộc chi ến vẫn tiếp diễn. Đây được coi là một cuộc khủng hoảng về tị nạn nghiêm trọng nhất châu Âu kể từ sau Ch iến tra nh thế giới thứ 2./.
Châu Anh
Nguồn: VOV1