Việc phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga kéo dài trong nhiều thập kỉ qua đã khiến châu Âu rơi vào tình thế bị động một khi nguồn cung ứng bị gián đoạn.

Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về mở c hiến dịch can thiệp quân sự ở Ukraine đã khiến châu Âu bừng tỉnh và nhận ra rằng những nỗ lực để thoát khỏi phụ thuộc khí đốt Nga trong trong nhiều năm vừa qua là quá chậm chạp. Nhưng thời gian không còn nhiều và điều này đặt ra nguy cơ người tiêu dùng châu Âu sẽ phải đối mặt với mùa đông lạnh giá sắp tới, cùng với đó là tình cảnh bất động của nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất.

1 Chau Au Lo Ngai Da Qua Muon De Giam Phu Thuoc Vao Nguon Khi Dot Nga

Cho dù Moskva chủ động ngắt nguồn cung năng lượng để trả đũa cho đòn cấm vận của phương Tây hay châu Âu sẽ chủ động hạn chế, ngừng nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Nga, giới hoạch định chính sách tại châu lục này đều thống nhất rằng cần phải chuẩn bị cho một tương lai giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.

Khoảng 40% khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. Tuần này, khi phương Tây hợp lực cùng Mỹ siết trừng phạt Nga, EU đã phải bỏ ra khoản tiền 722 triệu USD/ngày để nhập khẩu năng lượng từ Nga, nhiều gấp ba lần so với thời điểm trước khi Nga can thiệp quân sự ở Ukraine - số liệu do tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ) cung cấp.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 3/3, Cao ủy phụ trách năng lượng EU, ông Kadri Simson, cho rằng EU không được phép để bất kỳ nước thứ ba nào sở hữu quyền lực đủ để gây bất ổn tới thị trường năng lượng của EU cũng như lựa chọn chính sách năng lượng của liên minh này.

Thế nhưng thay thế năng lượng nhập khẩu Nga là bài toán không dễ. Việc xây dựng một số trạm, cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ hay Qatar có hạn chế nhất định. Chính phủ Đức mới đây thông qua kế hoạch xây dựng hai trung tâm lưu trữ LNG kiểu này, nhưng sớm nhất phải ba năm nữa mới hoàn tất.

2 Chau Au Lo Ngai Da Qua Muon De Giam Phu Thuoc Vao Nguon Khi Dot Nga

Một tàu chở LNG cập cảng Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Hơn thế, LNG có mức giá cao hơn nhiều so với khí đốt Nga, khiến kinh tế châu Âu sẽ gặp phải khó khăn. Nếu mùa đông tới chuyển sang sử dụng hoàn toàn LNG, châu Âu sẽ phải bỏ ra khoản tiền trên 70 tỉ euro (79 tỉ USD) , tăng mạnh so với 12 tỉ euro (13,5 tỉ USD) nếu dùng khí đốt Nga.

Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn nữa. Trong khi những nhà cung ứng khí đốt khác như Na Uy, Algeria hay Azerbaijan chưa thể nâng sản lượng trong một sớm một chiều. Cùng lúc, hệ thống mạng lưới đường ống khí đốt tại châu Âu không có được tính hoàn chỉnh, đồng bộ cao, khiến rất khó để phân phối khí đốt từ những nơi dư thừa sang địa điểm thiếu hụt.

Thực tế này đẩy giới hoạch định chính sách EU trước lựa chọn không mấy dễ dàng nếu dòng khí đốt từ Nga bị chặn lại. Châu Âu khi đó có thể sẽ phải chấp nhận sử dụng năng lượng luân phiên, hoặc quay trở lại sử dụng nguồn nhiệt điện than đá – một bước đi làm hủy hoại mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. “Chúng ta sẽ phải yêu cầu người tiêu dùng giảm sử dụng hệ thống sưởi, một số ngành sản xuất phải đóng cửa trong một thời gian nhất định”, Simone Tagliapietra, chuyên gia cao cấp tại Bruegel, bình luận.

Đưa ra nhiều tuyên bố về đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhưng châu Âu trong nhiều năm qua đã không có sự chuẩn bị và bước dịch chuyển đáng kể nào. Đức, đầu tàu kinh tế lớn nhất châu Âu, vẫn chưa có trung tâm lưu trữ LNG hoàn chỉnh. Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz được cho là đang xem xét liệu có nên kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại hay không. Ba nhà máy này theo kế hoạch trước đó sẽ buộc phải đóng cửa trong năm nay.

Mức độ phụ thuộc khí đốt Nga khác nhau giữa các nước châu Âu. Đức, Italy cùng một loạt các nước Trung và Đông Âu sẽ hứng chịu tác động trầm trọng nhất, do nhập khẩu nhiều khí đốt của Nga. Ngược lại, Anh, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha lại ít nhập khẩu khí đốt Nga. Nhưng số này cũng sẽ chịu ảnh hưởng lan tỏa từ giá khí đốt tăng trên bình diện chung.

Ngay cả khi giới chức châu Âu có được bảo đảm nguồn cung mới, tiến trình phân phối cũng sẽ là một thử thách lớn. Đa phần các cơ sở lưu trữ chuyên thực hiện chuyển đổi LNG dạng lỏng sang dạng khí đều tập trung ở bờ biển phía Tây, tại Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Nhưng hệ thống đường ống kết nối từ đây tới Đức và sườn phía đông châu Âu lại chưa hoàn thiện.

Giới nghiên cứu tại tổ chức Capital Economics mới đây đã giảm dự báo tăng trưởng 1% đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu trong năm 2022, do tác động từ các vòng trừng phạt mới chông Nga. Nhưng nếu dòng khí đốt từ Nga bị đóng hoàn toàn, suy giảm tăng trưởng GDP của eurozone sẽ lên mức 2%.

Tuấn Linh

Nguồn: Báo Tin tức




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC