Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là một trong những cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khủng hoảng này được dự báo có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là thị trường khí đốt châu Âu...

Hôm 24/2, giá dầu thô và khí đốt đồng loạt tăng vọt ngay sau những thông tin đầu tiên về cuộc tấn công của Nga. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York cùng vượt mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent lên gần 106 USD/thùng. Giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu tăng 29%, lên mức 114,65 Euro, tương đương 127,8 USD mỗi megawatt giờ.

Mức giá khí đốt nói trên còn thấp hơn mức giá kỷ lục mọi thời đại thiết lập trước Giáng sinh, nhưng chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho ví tiền của các hộ gia đình ở châu Âu nếu duy trì. Ngân hàng Bank of America trước đó đã ước tính rằng mỗi hộ gia đình ở châu Âu sẽ phải trả thêm 650 Euro (724 USD) cho năng lượng trong năm nay, nâng tổng mức chi cho năng lượng bình quân mỗi hộ trong cả năm lên 1.850 Euro (2.061 USD).

PHƯƠNG TÂY KHÔNG MUỐN "TỰ BẮN VÀO CHÂN MÌNH"

1 Cuc Dien Ban Co Khi Dot Giua Xung Dot Nga Ukraine

Ngày 27/2, phương Tây sử dụng đến biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất tính đến thời điểm này đối với Nga, khi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Đây là một phần trong gói trừng phạt bổ sung nhằm mục đích cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, từ đó làm suy yếu nền kinh tế và tài chính của nước Nga.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh hiện vẫn chưa sử dụng biện pháp mạnh tay nào đối với ngành năng lượng của Nga. Nhiều chuyên gia nhận định rằng trừng phạt ngành năng lượng của Nga là điều cuối cùng mà Mỹ và châu Âu có thể muốn làm, vì một động thái như vậy chẳng khác gì “tự bắn vào chân mình”. Đó là bởi Nga đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và chiếm xấp xỉ 10% nguồn cung dầu của thế giới.

Hôm 23/2, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên Nord Stream 2 AG, công ty có trụ sở ở Thụy Sỹ chịu trách nhiệm xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Công ty này là một công ty con của Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom, nơi Chính phủ Nga nắm cổ phần hơn 50%. Hôm 22/2, Đức tạm dừng quy trình phê chuẩn Nord Stream 2. Cả hai động thái này đều không ảnh hưởng trực tiếp gì đến nguồn cung năng lượng từ Nga ra thế giới.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng xung đột quân sự trên lãnh thổ Ukraine – một “trạm quá cảnh” của khí đốt Nga trên đường sang châu Âu – chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến dòng chảy nhiên liệu này.

“Các chính phủ phương Tây nhiều khả năng sẽ không đưa ngành năng lượng của Nga vào diện trừng phạt, nhưng những hạn chế mới cũng sẽ buộc nhiều nhà giao dịch phải cực kỳ thận trọng khi mua bán những thùng dầu có nguồn gốc từ Nga”, một báo cáo từ công ty tư vấn chính trị Eurasia Group nhận định. “Ngoài ra, dòng khí đốt chảy từ Nga qua Ukraine có thể bị gián đoạn do tình hình chiến sự, ảnh hưởng tới nguồn cung khí đốt của các nước ở miền Trung và Đông Âu, từ đó đẩy giá khí đốt ở châu Âu lên mức cao hơn”.

ĐIỀU GÌ XẢY RA NẾU NGA CẮT CUNG CẤP KHÍ ĐỐT CHO CHÂU ÂU?

Giờ đây, khi căng thẳng địa chính trị ở biên giới Nga-Ukraine đã trở thành một cuộc xung đột quân sự, các nhà phân tích lo ngại về một kịch bản mà ở đó nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu bị cắt hoàn toàn. Nếu Nga cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu – nghĩa là dùng năng lượng làm vũ khí - hệ quả về mặt kinh tế và sức khỏe cộng đồng sẽ rất khó lường, nhất là nếu một động thái như vậy xảy ra khi thời tiết còn lạnh giá và trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Một báo cáo của Wood Mackenzie cho rằng châu Âu có thể xoay sở để tự đáp ứng nhu cầu khí đốt ở thời điểm hiện tại, và tình hình nguồn khí đốt của khu vực hiện đã cải thiện so với đầu mùa đông, nhưng nhìn trong dài hạn, sự bấp bênh là rất lớn.

Nhà phân tích cấp cao Kateryna Filippenko của Wood Mckenzie nói “mọi thứ hoàn toàn có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều” nếu dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu bị cắt đứt. “Trong tình huống như vậy, châu Âu sẽ phải huy động toàn bộ hệ thống năng lượng để giữ cho các bóng đèn trong khu vực được thắp sáng, tức là phải giảm dùng khí đốt, tăng hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân và nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, tối đa hóa hoạt động sản xuất khí đốt bản địa và nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ các nguồn khác, thuyết phục các nước châu Á dùng than nhiều hơn và giải phóng nguồn cung cấp khí hóa lỏng (LNG)”, bà Filippenko nói, đồng thời nhấn mạnh rằng tất cả cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Trong những tuần gần đây, giới chức Mỹ và châu Âu đã xoay sở nhằm củng cố nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực. Châu Âu đã tính đến việc tăng mạnh nhập khẩu LNG từ Mỹ. Tuy nhiên, sự phân bổ thiếu đồng đều của các cảng LNG ở châu Âu đặt ra một trở ngại không nhỏ. Khoảng 1/3 năng lực nhập khẩu LNG của châu Âu tập trung ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và khoảng 24% nữa đặt ở Anh, theo dữ liệu của S&P Global Spatts

“Nếu nguồn khí đốt từ Nga bị cắt, châu Âu sẽ không có cơ hội để chống trả”, vị chuyên gia nhận định. “Nếu nguồn cung đó bị cắt ngay ngày hôm nay, châu Âu có thể chịu được trong ngắn hạn, vì lượng tồn kho khí đốt đang khá cao và nhu cầu tiêu thụ khí đốt sẽ giảm xuống khi bước sang mùa hè. Nhưng trong trường hợp gián đoạn kéo dài, dự trữ khí đốt sẽ không thể hồi phục trong mùa hè, và châu Âu sẽ rơi vào một tình thế thảm họa khi mùa đông tiếp theo tới gần. Giá khí đốt sẽ tăng vọt, nhiều ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa, lạm phát sẽ phi mã. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hoàn toàn có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu”.

Nhà phân tích cấp cao Troy Vincent của DTN Markets nói với CNBC rằng “đơn giản là chẳng có lựa chọn thay thế nào cho lượng dầu thô và khí đốt từ Nga mà không dẫn tới mức giá cao hơn và nguy cơ xuất hiện tình trạng khan hiếm nghiêm trọng. Vì thế, việc áp trừng phạt lên xuất khẩu năng lượng của Nga, cả sang châu Âu và ra phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ dẫn tới tổn hại lớn đối với cả tăng trưởng kinh tế và ngân sách chính phủ”, ông Vicent nhận định.

Tuy nhiên, nhà phân tích này nhấn mạnh rằng hạ tầng đường ống dẫn khí đốt nối Nga với Trung Quốc, và khả năng Bắc Kinh có thể “phớt lờ” lệnh trừng phạt của Mỹ, đặt Trung Quốc vào một vị thế đặc biệt. “Trung Quốc rất có thể sẽ trở thành quốc gia duy nhất có thể hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt như vậy, vì họ có thể thỏa sức mua khí đốt giá rẻ từ Nga”, ông Vincent phát biểu.

CÂU HỎI VỀ SỐ PHẬN CỦA NORD STREAM 2

Một câu hỏi lớn liên quan đến thị trường khí đốt châu Âu giữa xung đột Nga-Ukraine là số phận đường ống Nord Stream 2.

Đức đã đình chỉ việc phê chuẩn đường ống 11 tỷ USD này chỉ một ngày sau khi ông Putin công nhận độc lập và đưa quân vào hai vùng ly khai tự xưng nước cộng hòa Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine hôm 21/2. Ngay sau khi quyết định được Berlin công bố, giá khí đốt ở châu Âu tăng 10% trong phiên giao dịch ngày 22/2. Diễn biến này cho thấy Nord Stream 2 – đường ống chạy ngầm dưới biển được xây dựng với mục đích tăng gấp đôi lượng xuất khẩu khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức – có tầm quan trọng như thế nào cho dù chưa đi vào hoạt động.

Xung đột Nga-Ukraine đặt Đức vào một vị thế khó khăn hơn trong vấn đề Nord Stream 2. Từ lâu, Đức đã chịu sức ép lớn khi Mỹ luôn muốn dự án này bị hủy bỏ hoặc bị trừng phạt thật nặng. Một số nước châu Âu, nhất là Ba Lan và Ukraine, kịch liệt phản đối Nord Stream 2 vì lo sợ Nga sẽ dùng đường ống này để củng cố vị thế thống trị trên thị trường năng lượng châu Âu.

Đối với Ukraine, nếu Nord Stream 2 đi vào hoạt động, nước này có thể mất nhiều triệu USD tiền phí quá cảnh khí đốt thu được từ Nga. Hiện nay, một lượng lớn khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu đi qua các đường ống nằm trên lãnh thổ Ukraine. Về phần mình, Mỹ cũng muốn châu Âu giảm mua khí đốt Nga và thay vào đó tăng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Theo số liệu chính thức của Liên minh châu Âu (EU), trong năm 2021, 38% nhu cầu khí đốt của khối này được đáp ứng bởi Nga.

Đức vẫn khẳng định rằng Nord Stream 2 là một dự án thương mại đơn thuần. Tuy nhiên, đường ống này đã trở thành một “nạn nhân” của căng thẳng chính trị gia tăng giữa Nga và phương Tây. Ở thời điểm hiện tại, số phận của Nord Stream 2 đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết, và châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt chưa từng có tiền lệ.

An Huy

Nguồn: cafef.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC