Một binh sĩ Ukraine bốc dỡ lô vũ khí do nước ngoài viện trợ tại sân bay ở Kiev ngày 13/2/2022. (Ảnh: AFP).
Phát biểu với phóng viên ngày 14/3, người phát ngôn chính phủ Đức Wolfgang Buechner cho biết, Đức sẽ không cung cấp chi tiết liên quan đến việc vận chuyển vũ khí cho Ukraine nữa.
"Để tránh rủi ro an ninh, sẽ không có thêm bất cứ cuộc thảo luận công khai nào về việc cung cấp vũ khí cũng như loại vũ khí được chuyển giao cho Ukraine", ông Buechner cho biết khi trả lời câu hỏi về việc liệu Đức có tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không nếu chúng trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Nga.
Bộ Giao thông Vận tải Đức cũng quyết định ngắt nguồn cấp dữ liệu trực tiếp từ camera an ninh trên các tuyến đường cao tốc của Đức vì lý do an ninh để đảm bảo an toàn lộ trình di chuyển của các đoàn xe chở vũ khí trước khi rời Đức.
Tại một cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Arne Collatz nói rằng: "Mục tiêu của Nga là cắt nguồn tiếp tế cho Ukraine, khiến việc phòng thủ của Ukraine trở nên khó khăn hơn".
Quyết định của Đức giữ bí mật thông tin liên quan đến các lô vũ khí viện trợ Ukraine được đưa ra không lâu sau khi Nga cảnh báo các xe chở vũ khí của nước ngoài cung cấp cho Ukraine có thể trở thành "mục tiêu hợp pháp" của các lực lượng Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 12/3 tuyên bố: "Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ rằng việc các nước tuồn vũ khí cho Ukraine là một hành động nguy hiểm, và chỉ khiến các đoàn xe chở vũ khí trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng Nga".
Bất chấp cảnh báo này, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm qua khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. "Tất nhiên, những đoàn xe vận chuyển này sẽ đi qua vùng chiến sự. Mặc dù không thể khẳng định chính xác chúng sẽ an toàn nhưng chúng tôi tin là mình có những phương pháp và hệ thống phù hợp để tiếp tục ủng hộ cho Ukraine", ông Sullivan nói. Ông cảnh báo: "Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để bảo vệ từng tấc đất của NATO. Nếu có bất cứ hành động tấn công quân sự nào nhằm vào lãnh thổ NATO, Điều khoản 5 sẽ được kích hoạt và chúng tôi sẽ đáp trả toàn lực".
Đức là một trong các thành viên chủ chốt của NATO. Ban đầu, Đức do dự trong việc cấp vũ khí cho Ukraine và chỉ thay đổi lập trường sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Hồi cuối tháng 2, Đức đã đảo ngược quyết định cấm bán vũ khí cho Kiev và đã gửi hàng nghìn tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không cho quân đội Ukraine. Đức cũng "bật đèn xanh" cho phép Hà Lan, Estonia cung cấp vũ khí do Đức sản xuất cho Kiev.
Mỹ và các nước phương Tây đang tiếp tục cấp tập cung cấp vũ khí cho Ukraine. Số vũ khí này được đưa tới các nước láng giềng của Ukraine như Ba Lan và Romania, để vận chuyển qua đường bộ tới miền Tây Ukraine.
Theo RT, Guardian
Nguồn: Báo điện tử Dân trí