Ngày 25-3, Đức đã mạnh tay cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga, không lâu sau khi Washington và Liên minh châu Âu (EU) công bố một thỏa thuận về việc cung cấp khí đốt của Mỹ cho châu Âu.

1 Duc Cat Giam Nhap Khau Nang Luong Tu Nga My Va Eu Dat Thoa Thuan Moi

Một nhà máy lọc dầu của PCK Raffinleie tại Đức, nơi nhận dầu thô từ Nga thông qua đường ống dẫn dầu Hữu nghị - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, Đức quyết định cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga để phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Matxcơva ở Ukraine.

Nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào Đức sẽ giảm còn một nửa vào tháng 6 tới, còn nhập khẩu than sẽ ngừng từ mùa thu năm nay.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: "Trong những tuần gần đây, cùng với tất cả các bên liên quan, chúng tôi đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm giảm nhập khẩu năng lượng hóa thạch từ Nga và mở rộng nguồn cung của mình".

"Chúng ta đã đạt được cột mốc đáng nhớ đầu tiên nhằm giảm lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Nga", ông Habeck nói thêm.

Cùng ngày, Mỹ và EU đã công bố một thỏa thuận về việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ cho châu Âu.

Theo Hãng tin Reuters, thỏa thuận mới được công bố giữa chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thủ đô Brussels (Bỉ) - nơi đặt trụ sở EU.

"Mỹ sẽ làm việc với các đối tác quốc tế và cố gắng nâng nguồn khí đốt cho thị trường châu Âu lên thêm ít nhất là 15 tỉ m3 vào năm 2022, và dự kiến ​​sẽ tăng lên trong tương lai", Nhà Trắng cho biết trong một thông báo mới.

Theo Reuters, mục tiêu dài hạn hơn sẽ là đảm bảo khoảng 50 tỉ m3 khí đốt mỗi năm từ Mỹ đến EU, ít nhất là cho tới năm 2030.

Xung đội giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá năng lượng lên mức kỷ lục. Để phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, EU cam kết sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập từ Nga trong năm nay bằng cách tăng cường nhập khẩu từ các nước khác và năng lượng tái tạo.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ tiếp tục thảo luận trong ngày 25-3 để tìm ra thêm cách thức khác nhằm giảm giá năng lượng.

Trước khi xung đột nổ ra, Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt và hơn 1/4 lượng dầu mỏ nhập khẩu của EU.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC