Foto: Trạm khí đốt Russkaya ở vùng Krasnodar, miền Nam Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin trên cho biết Đức đã sẵn sàng giảm 50% sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu của Nga từ mùa Hè này và ngừng nhập khẩu than đá của Nga vào mùa Thu. Báo Spiegel dẫn một tài liệu của Bộ Kinh tế liên bang cho biết vào giữa năm nay, lượng dầu mỏ mà Đức nhập khẩu từ Nga dự kiến sẽ giảm 50% và Đức hướng tới mục tiêu gần như độc lập vào cuối năm. Trong khi đó, tới mùa Thu này, Đức cũng có thể không còn phụ thuộc vào than đá của Nga.
Vào cuối tháng 3, sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của nước này chỉ còn 40% thay vì mức 55% như trước đây. Ngoài ra, phần lớn trong số 46 tỷ m3 khí đốt mà Đức nhận được từ Nga mỗi năm đã được thay thế bằng nguồn cung khí hóa lỏng. Với 3 trạm tiếp nhận đầu cuối mới nêu trên, khoảng 7,5 tỷ m3 khí đốt có thể chảy tới Đức từ các khu vực khác trên thế giới vào đầu mùa Đông tới.
Theo các quan chức Bộ Kinh tế liên bang, nước này đã lựa chọn tập đoàn năng lượng RWE và Uniper để đặt 3 trạm khí tự nhiên hóa lỏng nổi. Những điểm này có thể tiếp nhận khí hóa lỏng từ các tàu chở dầu và đưa chúng trở lại dạng khí. Chính phủ Đức đang xem xét các địa điểm tiềm năng trên Biển Bắc và Biển Baltic, có thể sử dụng ngay trong ngắn hạn, thậm chí có thể ngay vào mùa Đông 2022-2023.
Tuy nhiên, báo Spiegel dẫn một nguồn tin từ Bộ Kinh tế liên bang Đức nhận định bất chấp việc đạt được tiến bộ trong vấn đề độc lập năng lượng, một lệnh cấm vận ngay lập tức đối với Nga sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội đối với Đức.
Cũng liên quan vấn đề khí đốt của Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 24/3 nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ không cho phép thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble.
Theo bà von der Leyen, phương án thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble là không thể chấp nhận, bởi điều này trái với các lệnh trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt đối với Nga. Động thái trên được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng vận chuyển khí đốt tới "những nước không thân thiện”, sau khi Moskva phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây liên quan vấn đề Ukraine.
Mạnh Hùng (TTXVN)