Các quan chức Đức đang xem xét mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel khi tên lửa Nga đang rơi ngay trước ngưỡng cửa của NATO.

Biện pháp răn đe cần thiết

Trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine ngày càng leo thang căng thẳng, Đức muốn có một hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh mẽ để chống lại mọi mối đe dọa.

Hệ thống này sẽ giúp Berlin không bị động trước một cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng trong tương lai. Một số ý kiến cho rằng, hệ thống phòng thủ Arrow 3 hay Vòm Sắt của Israel vốn được chứng minh hiệu quả trên chiến trường có thể là lựa chọn hợp lý.

1 Duc Muon Phong Ve Bang La Chan Phong Thu Ten Lua Cua Israel

Hệ thống Vòm sắt của Israel. Ảnh: IDF

Việc Israel bắn hạ hàng nghìn quả tên lửa của phong trào Hamas tại Dải Gaza trong cuộc chiến chớp nhoáng nhưng dữ dội vào năm 2021 đã nâng cao sức hấp dẫn của hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này.

Theo thông tin do nhật báo Bild của Đức đăng tải cuối tuần qua, các quan chức Đức đang cân nhắc xem liệu đã đến thời điểm áp dụng mô hình tương tự hay chưa khi mà tên lửa Nga đang rơi tại Ukraine - ngay trước ngưỡng cửa của NATO. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã xác nhận báo cáo này.

Phát biểu với đài truyền hình ARD, ông Olaf Scholz cho biết: “Tôi có thể nói với bạn rằng đó chính xác là những gì chúng tôi đang thảo luận và vì lý do chính đáng. Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ”.

Nhưng chính phủ Đức vẫn rất kín tiếng về kế hoạch nêu trên, chỉ cho biết phòng thủ tên lửa là một phần của các cuộc thảo luận sơ bộ về những gì họ có thể làm với khoản chi tiêu quân sự bổ sung 100 tỷ euro (tương đương 110 tỷ USD). Theo The Bild, các quan chức quốc phòng Đức dự kiến ​​sẽ nhận được thông báo ngắn gọn từ những người đồng cấp Israel về các lựa chọn của họ.

Mặc dù một cuộc tấn công trực diện của Nga vào Đức hoặc xung đột giữa Nga với NATO rất khó xảy ra, nhưng Đức vẫn coi việc nâng cấp khí tài quân sự là biện pháp răn đe cần thiết nhằm đối phó với Moscow và là tín hiệu thể hiện sự ủng hộ với các nước láng giềng ở giáp biên giới Nga vốn đang thấp thỏm lo âu. Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa cùng với kế hoạch mua tiêm kích tàng hình có khả năng hạt nhân F-35 là một phần của biện pháp răn đe đáng tin cậy.

Không phải tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa đều phù hợp

Không phải tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đều phù hợp với Đức. Một số nhà phân tích cho biết, việc thiếu thông tin chi tiết về các hệ thống này đôi khi tạo ra sự nhầm lẫn. Chẳng hạn, hệ thống Vòm Sắt của Israel là một hệ thống chuyên biệt, được thiết kế với mục đích duy nhất: đánh chặn các tên lửa thô sơ và tên lửa tầm ngắn do Hamas hoặc các nhóm Hồi giáo khác bắn vào lãnh thổ của nước này.

Bà Steffi Christ – người phát ngôn của nghị sỹ Roderich Kiesewetter thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cho rằng: “Hệ thống Vòm Sắt ở Israel chỉ chống lại các vụ tấn công bằng tên lửa tầm ngắn tại một khu vực hạn chế, hoàn toàn không có ý nghĩa với Đức”.

Đức đã có hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất – một hệ thống phòng thủ lâu đời hơn nhưng có hiệu quả trong việc chống lại các tên lửa tầm ngắn hoạt động trong bầu khí quyển của Trái Đất. Israel cũng đã sử dụng Patriot trước khi phát triển thành công hệ thống Vòm Sắt, để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ngoài tên lửa tầm ngắn, Patriot còn có thể bắn hạ máy bay.

Ngoài hệ thống Vòm Sắt, Đức được cho là đang để mắt đến hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow. Tên lửa này đã được phát triển đến thế hệ thứ 3 và đang trong giai đoạn phát triển thế hệ thứ 4.

Arrow là tên lửa có tầm bắn xa nhất thuộc mạng lưới phòng không của Israel, được thiết kế chủ yếu để bắn hạ tên lửa hành trình và đạn đạo, bao gồm cả những tên lửa có thể được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân hoặc các loại bom, đạn thông thường. Nhưng nhà phân tích an ninh Andreas Flocken cho rằng, Arrow được thiết kế để bắn hạ vũ khí tầm trung, với tầm bắn 1.500 km, không đủ khả năng chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trong khi Nga có các tên lửa như vậy đặt ở vùng lãnh thổ Kaliningrad cách Berlin chưa đến 700 km. 

2 Duc Muon Phong Ve Bang La Chan Phong Thu Ten Lua Cua Israel

Tên lửa Arrow 3 của Israel khai hỏa. Ảnh: AFP

Các chuyên gia này cũng nhấn mạnh, hiện không có bất cứ hệ thống phòng thủ đáng tin cậy nào có thể chống lại vũ khí siêu thanh do tốc độ và khả năng cơ động của chúng.

Tổng thống Nga Putin nhiều lần ca ngợi sức mạnh các hệ thống vũ khí siêu thanh của Nga và các quan chức Nga cũng xác nhận nước này đã sử dụng tên lửa siêu thanh trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Chưa kể, Đức sẽ phải bỏ ra kinh phí lớn nếu muốn sở hữu hệ thống Arrow 3 của Israel. Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa – một nhóm vận động hành lang có trụ sở tại Mỹ cho biết, một hệ thống tên lửa này có giá 170 triệu USD và mỗi tên lửa đánh chặn có giá khoảng 3 triệu USD. Bên cạnh đó, là chi phí đào tạo, bảo trì và vận hành trong suốt vòng đời của hệ thống.

Đức sẽ cần một mạng lưới radar và tên lửa lớn hơn nhiều so với Israel – quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/3 bang Bavaria của nước này.

Vì thế bất cứ cuộc thảo luận nào về việc cải thiện khả năng phòng thủ tên lửa cũng phải đi kèm với cuộc thảo luận về cách thức gia tăng chi tiêu quốc phòng môt cách hợp lý./.

Nguồn: VOV.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC