Đức ra thông báo khẳng định hai nước Đức - Pháp cũng như nhiều nước châu Âu khác sẽ chỉ thanh toán các hợp đồng năng lượng đã ký với Nga bằng đồng Euro, chứ không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp Nga như yêu cầu từ phía chính quyền Nga.

Đức-Pháp đã thống nhất xây dựng cơ chế phối hợp nhằm ứng phó với khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Các Bộ trưởng Kinh tế Đức và Pháp nhóm họp trong ngày 31/3 tại thủ đô Berlin,

Tuyên bố của các Bộ trưởng Kinh tế Đức và Pháp được đưa ra chỉ ít giờ sau khi các nguồn tin từ Nga cho biết Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã ký quyết định yêu cầu kể từ ngày 1/4, các quốc gia “không thân thiện” với Nga sẽ phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp Nga, thông qua các tài khoản mở tại ngân hàng Nga. Nếu không tuân thủ quyết định này, phía Nga đe doạ sẽ chấm dứt hợp đồng và cắt đứt nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Bộ trưởng Kinh tế và Môi trường Đức, ông Robert Habeck cho biết, một ngày trước đó, chính phủ Đức đã quyết định thực thi các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung và Đức hiện đã sẵn sàng ứng phó với kịch bản này.

Dù vậy, cách đây không lâu, ông Robert Habeck cũng thừa nhận nếu chấm dứt ngay lập tức việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, kinh tế Đức có thể sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng và hàng trăm ngàn người có thể mất việc làm.

Tại châu Âu, Đức là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt từ Nga khi 55% lượng khí đốt sử dụng tại Đức là do Nga cung cấp. Ngoài ra, các đe doạ cắt khí đốt từ Nga được đưa ra đúng thời điểm các nước châu Âu chuẩn bị đón một đợt lạnh cuối mùa khiến nhiệt độ giảm sâu so với các tuần trước.

Chung quan điểm với người đồng nhiệm Đức, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định các hợp đồng mà các công ty châu Âu đã ký với phía Nga đã ghi rõ điều khoản thanh toán là bằng đồng Euro, nên phía Pháp sẽ chỉ thanh toán bằng đồng Euro.

1 Duc Phap Tu Choi Tra Tien Khi Dot Cho Nga Bang Dong Rup

Ông Bruno Le Maire đồng thời cho biết:

“Chúng ta đang phải đối mặt với một cú sốc năng lượng lớn, dẫn đến việc tăng mạnh giá nhiên liệu và thực phẩm tại Pháp, tại Đức và khắp các nơi khác tại châu Âu. Để ứng phó với cú sốc năng lượng này, Đức và Pháp sẽ phối hợp toàn diện để cùng ra các quyết sách ứng phó về kinh tế” - ông Bruno Le Maire cho biết.

Theo giới phân tích, Đức-Pháp đã đạt thoả thuận về việc sẽ tiến hành các gói nhập khẩu năng lượng chung cùng các quốc gia khác của EU. Đây là mô hình từng được EU áp dụng thành công trong việc mua vaccine ngừa Covid-19 đầu năm 2021, khi việc mua chung sẽ giúp EU có sức mạnh đàm phán lớn hơn, mua được khí đốt, khí thiên nhiên hoá lỏng hay dầu mỏ rẻ hơn. Trước đó, chính phủ Đức nhận nhiều chỉ trích khi nhiều nước EU cho rằng Đức đang tìm cách hành động riêng trong việc tìm mua khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) từ một số nước như Qatar.

Hiện tại, do căng thẳng với Nga, giá nhiên liệu tại nhiều nước châu Âu đã tăng mạnh trong tháng 3/2022 dẫn đến lạm phát tăng cao. Tại Pháp, giá nhiên liệu trong tháng 3/2022 tăng đến 28,9% khiến lạm phát quý I của nước này lên mức 4,5%.

Tại Tây Ban Nha lạm phát lên tới 9,8%, cao nhất từ 1985. Tại Đức, giá cả hàng hoá trong tháng 3/2022 cũng đã tăng 7,3%, khiến Hội đồng các chuyên gia kinh tế Đức phải hạ dự báo tăng trưởng của Đức trong năm 2022 xuống mức 1,8% thay vì 4,6% như dự báo đầu năm./.

Theo TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC