Bộ Nông nghiệp Đức cho biết chủng vi rút mới H5N8 gây cúm gia cầm được phát hiện lần đầu tiên trong một loài ngỗng hoang dã ở miền bắc nước này (Foto: Nhân viên thú y tiến hành vệ sinh chuồng trại một nông trại bị nghi có gia cầm nhiễm vi rút cúm gia cầm ở Đức - Ảnh: Reuters)
Loài ngỗng này bị nhiễm H5N8 tại bang Mecklenburg-Vorpommern, và đây là trường hợp nhiễm vi rút bên ngoài nông trại được ghi nhận ở châu Âu, Bộ Nông nghiệp Đức cho biết ngày 22.11.
Bộ Nông nghiệp Đức cho hay họ đã yêu cầu chính quyền các địa phương theo dõi sát sao những loại ngỗng hay chim hoang và có biện pháp tiêu hủy nếu cần thiết.
H5N8 từng được phát hiện chỉ ở châu Á, nhưng đã lây lan thông qua những loại ngỗng hoặc chim hoang dã đến một số nước ở châu Âu như: một nông trại gà tây ở Mecklenburg-Vorpommern (Đức) với trên 30.000 con gà tây có nguy cơ bị tiêu hủy, một số nông trại ở Hà Lan, một nông trại nuôi vịt ở Anh.
Trước đó, chính quyền Hà Lan ngày 22.11 đã tiêu hủy hơn 8.000 con vịt sau khi phát hiện chủng vi rút H5N8 gây cúm gia cầm tại một nông trại ở miền trung nước này. Hà Lan gọi H5N8 là loại vi rút “độc lực cao” và có nguy cơ đột biến để lây lan sang loài khác và con người.
Chủng vi rút cúm gia gia cầm H7N7 cũng đã ảnh hưởng nặng nề Hà Lan vào năm 2003, với khoảng 30 triệu gia gia cầm bị tiêu hủy nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm. Cúm gia cầm khiến cho gia cầm chết và đe dọa sức khỏe con người. Những người tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm có nguy cơ bị nhiễm bệnh, theo AFP.
Chủng vi rút H5N1 gây cúm gia cầm đã khiến trên 400 người chết, chủ yếu ở Đông Nam Á, kể từ khi lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2003, cũng theo AFP. Một chủng vi rút cúm gia cầm khác là H7N9 cũng đã cướp đi sinh mạng trên 170 người kể từ năm 2013.
Phúc Duy