Sau nhiều năm theo đuổi chính sách tránh can dự, Đức, nước đầu tàu châu Âu, đảo ngược nguyên tắc đối ngoại của mình giữa lúc xung đột Nga - Ukraine leo thang.

1 Duc Xoay Chuyen Chinh Sach Giua Xung Dot Ukraine

Foto: Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin hôm 24/2. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 1, khi Nga triển khai hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine, chính phủ Đức kiên quyết giữ lập trường không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Thay vào đó, Berlin gửi 5.000 mũ sắt cùng một bệnh viện dã chiến trị giá 5 triệu USD, hành động đã bị Thị trưởng Kiev chế nhạo.

Berlin thậm chí còn từ chối cấp giấy phép xuất khẩu để các quốc gia NATO khác gửi vũ khí có nguồn gốc từ Đức tới Ukraine. "Đức không ủng hộ xuất khẩu vũ khí sát thương suốt nhiều năm qua", Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố khi đó và kiên quyết duy trì lập trường này bất chấp sức ép từ các đồng minh NATO.

Tuy nhiên, ngày 26/2, hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức bất ngờ tuyên bố gửi 1.000 vũ khí chống tăng, 500 tên lửa phòng không vác vai Stinger cho Kiev. Thủ tướng Đức cho hay chiến dịch quân sự của Nga chính là "bước ngoặt" tạo nên sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại, quốc phòng của Berlin.

Môt ngày sau, trong phát biểu trước Hạ viện, Thủ tướng Scholz đã cho thấy bước ngoặt này cụ thể như thế nào, khi đảo ngược chính sách đối ngoại và quốc phòng mà Đức từng theo đuổi suốt nhiều thập kỷ.

Ông đề xuất khoản ngân sách trị giá 100 tỷ euro (khoảng 111 tỷ USD) để đổi mới các lực lượng vũ trang, chấm dứt thời kỳ dài liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng được khởi xướng dưới thời người tiền nhiệm Angela Merkel. Ông cũng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của Đức lên 2% GDP, so với mức 1,4% hiện tại.

Sau nhiều lần trì hoãn, Đức tuyên bố sẽ hỗ trợ thực thi các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, trong đó có loại một số ngân hàng Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Họ cũng sẽ lập tức đầu tư để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Những tuyên bố của Thủ tướng Scholz trước quốc hội Đức đi xa hơn những gì mà các nhà quan sát giàu kinh nghiệm có thể nghĩ đến, theo Ed Turner, đồng giám đốc Trung tâm châu Âu Aston thuộc Đại học Aston ở Anh.

Thái độ thận trọng lâu nay của Đức trong chính sách đối ngoại, đặc biệt với Nga, bắt nguồn từ lịch sử sâu xa hơn nhiều sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Moskva.

Đức có ý thức sâu sắc về lịch sử sau hai cuộc chiến tranh thế giới đầu thế kỷ 20. Cuộc xâm lược của Đức vào các nước láng giềng trong Thế chiến II đã khiến rất nhiều người thiệt mạng.

Mối quan hệ với Nga cũng được Đức định hình từ bài học lịch sử đau thương đó. Hơn 20 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong Thế chiến II, sự kiện mà Nga ngày nay gọi là "Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại". Sau Thế chiến II, nước Đức bị chia cắt bằng Bức tường Berlin và chỉ được thống nhất vào năm 1990.

Sau Chiến tranh Lạnh, khi quan hệ giữa Nga và phương Tây dần trở nên căng thẳng, dù vẫn phần nào sẵn sàng thách thức những hành động của Moskva, Đức phần lớn tự coi mình là bên hòa giải, luôn cố gắng duy trì con đường đối thoại với Nga. Nhưng chiến sự tại Ukraine đã thay đổi tất cả.

"Thủ tướng Scholz trong phát biểu của mình đã đảo ngược rất nhiều điều mà chúng tôi nghĩ là không thể thay đổi trong chính sách quốc phòng Đức", Sophia Besch, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Cải cách châu Âu ở Berlin, nói.

Thông báo đầy bất ngờ của Thủ tướng Scholz đã nhận được sự hưởng ứng lớn của Hạ viện và các đảng chính trị ở Đức.

Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của ông Scholz được đánh giá là cẩn trọng nhất trong liên minh ba đảng khi nói đến Nga, nhưng đã ủng hộ quyết định của Thủ tướng. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP), ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi đảng Xanh không phản đối xuất khẩu vũ khí.

Phe đối lập Dân chủ Cơ đốc giáo phản đối tăng chi tiêu quốc phòng, nhưng tán thành những thay đổi khác.

Dư luận Đức cũng ủng hộ thay đổi trong chính sách của Thủ tướng Scholz. Kết quả thăm dò nhanh cho thấy 78% người Đức ủng hộ xuất khẩu vũ khí và đầu tư cho lực lượng vũ trang sau khi chứng kiến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. 69% lo ngại NATO sẽ bị kéo vào xung đột.

Tuy nhiên, người Đức tỏ ra bất đồng hơn về ý tưởng cho Ukraine gia nhập NATO hoặc EU, khi người dân ở miền đông nước Đức phản đối mạnh mẽ hơn.

Với tình hình nhiều biến động hiện tại, những tác động dài hạn từ quyết định đảo ngược chính sách của Đức chưa rõ ràng, theo chuyên gia Turner.

Chiến dịch của Nga ở Ukraine dường như đã giúp NATO đoàn kết hơn, cũng như mang lại sự phối hợp chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn của EU, cả về gửi vũ khí phòng thủ tới Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga.

"Hiếm khi chúng tôi và các đối tác đồng thuận và đoàn kết như vậy", ông Scholz nói.

Kết hợp hai yếu tố này, Turner dự đoán những thay đổi của chính quyền Scholz sẽ khiến Đức quyết đoán hơn với các đối thủ trong tương lai, thay vì chỉ dừng lại ở "vùng an toàn" về ngoại giao và hỗ trợ kinh tế. Đồng thời, năng lực quân sự được tăng cường của nước Đức có thể được sử dụng rộng rãi hơn để hỗ trợ chính sách ngoại giao.

"Dù theo cách nào, quyết định của Thủ tướng Scholz đã hoàn toàn thay đổi vai trò toàn cầu của Đức", Turner nhận định.

Thanh Tâm (Theo CNA, Vox)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC