Ngày 11-3, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho biết lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã "bật đèn xanh" cho việc gia nhập EU của Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh của khối ở thành phố Versailles, Pháp.

1 Eu Bat Den Xanh Cho Ukraine Gia Nhap Khoi

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Sputnik, ông Nauseda đưa ra thông báo nói trên sau 5 giờ thảo luận của các lãnh đạo EU.

"Một đêm lịch sử tại Versailles. Sau 5 giờ thảo luận sôi nổi, các lãnh đạo EU nhất trí với việc gia nhập khối của Ukraine. Tiến trình này đã bắt đầu. Bây giờ chúng tôi và người dân Ukraine phải nhanh chóng hoàn thành nó", tổng thống Lithuania viết trên Twitter.

Việc trở thành một thành viên EU có ý nghĩa rất lớn với Ukraine. Một điều khoản trong hiệp ước EU nêu rõ nếu một thành viên trở thành nạn nhân của hành động gây hấn có vũ trang, các quốc gia khác trong EU có nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của họ.

Trước đó, ngày 28-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký đơn xin gia nhập EU, chỉ vài ngày sau khi Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng này.

Sau đó nhiều quốc gia EU đã tìm cách để Ukraine trở thành một thành viên của khối. Slovakia cũng đã đề xuất một thủ tục đặc biệt để Ukraine gia nhập EU.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo một số nước bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky về chuyện nhanh chóng kết nạp Ukraine vào EU.

“Chúng ta có thể kết nạp thành viên với một quốc gia đang có chiến tranh không? Tôi không nghĩ vậy”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng nhận định không thể nhanh chóng kết nạp Ukraine, đồng thời nói thêm rằng EU sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Kiev.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong khi đó cho biết EU chưa sẵn sàng mở rộng quy mô. Quá trình ban hành quyết định cần sự đồng thuận của toàn bộ thành viên. Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cũng nói không có quốc gia nào gia nhập EU chỉ sau một đêm.

EU đã thể hiện sự đoàn kết đáng kể kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24-2. Khối này đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, hệ thống tài chính Nga, các nghị sĩ và tài phiệt Nga.

Các quốc gia trong khối cũng đang cung cấp vũ khí cho Ukraine để kháng cự trước lực lượng quân sự Nga. EU đã đồng ý chi 450 triệu euro (500 triệu USD) để mua vũ khí cho Ukraine.

Đức cũng đã phá vỡ truyền thống lâu đời là từ chối xuất khẩu vũ khí tới vùng có xung đột, và đồng ý gửi tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng cho Ukraine.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC