Phóng viên tại Berlin dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội (INSA) tiến hành và công bố ngày 23/2, cho biết có tới 52% người Đức được hỏi đều nói sẽ tiếp tục đeo khẩu trang sau khi các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19 được dỡ bỏ. Trong số những người được hỏi, 79% đều nói rằng sẽ tiếp tục đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, 76% sẽ vẫn đeo khi đến các cửa hàng và khoảng 20% sẽ tiếp tục đeo khẩu trang trong nhà hàng và ở văn phòng.
Trong khi đó, chỉ có 40% số người được hỏi cho biết họ sẽ không đeo khẩu trang sau khi quy định bắt buộc được dỡ bỏ. Cho đến nay, chưa có thời hạn chót nào được đưa ra đối với quy định bỏ khẩu trang, bởi đây vẫn là một trong “các biện pháp cơ bản” chống sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 một cách hiệu quả tại Đức.
Đeo khẩu trang sẽ vẫn được duy trì ngay cả sau khi phần lớn các hạn chế khác được dỡ bỏ vào ngày 20/, theo lộ trình nới lỏng các biện pháp chống dịch của Chính phủ nước này.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song hiện 2 trong 3 đảng trong liên minh cầm quyền là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh vẫn ủng hộ việc kéo dài thời gian đeo khẩu trang.
Chủ tịch nhóm nghị viện SPD tại Quốc hội Rolf Mützenich khẳng định khẩu trang vẫn là một công cụ được chứng minh có thể ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch bệnh trong không gian công cộng. Bộ trưởng Gia đình Anne Spiegel đồng quan điểm này khi phát biểu rằng: “Tôi hoan nghênh nếu khẩu trang vẫn được đeo ở trường học và những nơi khác”.
Phát biểu trước báo giới mới đây, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann cho rằng khẩu trang là một biện pháp chống dịch có hiệu quả cao, không quá khó chịu và việc tiếp tục thực hiện quy định đeo khẩu trang là một giải pháp có thể chấp nhận được./.
Theo TTXVN