Là nước làm ăn lớn nhất tại Nga trong EU, nước Đức có thể thiệt hại hàng đầu khối, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào thế khó xử.

Khi Peter Fenkl hay tin Nga tiến quân vào Ukraine, suy nghĩ đầu tiên của ông không phải là sẽ thiệt thế nào trong kinh doanh mà là số phận của các nhân viên của mình, những người nhiều năm gắn bó, được ông xem hơn cả đồng nghiệp.

"Đây không chỉ là những mối quan hệ kinh doanh mà còn là những tình bạn thực sự. Chúng tôi đã ngồi cạnh nhau trong các cuộc họp, uống bia cùng nhau", Fenkl, CEO nhà sản xuất quạt công nghiệp Ziehl-Abegg với 4.300 nhân viên, nói.

Giờ đây, cả bốn nhân viên của công ty ở Ukraine đã cầm súng bảo vệ đất nước họ. Ở Nga, nơi ông có một cơ sở sản xuất với 30 nhân viên, hoạt động kinh doanh đang tạm dừng. "Hai lần tôi gọi điện cho đồng nghiệp ở Nga và anh ta không thể nói chuyện. Anh ta cứ khóc", ông kể.

Các công ty Đức kinh doanh ở Nga nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào của Liên minh châu Âu. Năm ngoái, họ xuất khẩu hàng hóa trị giá hơn 26 tỷ euro (28,4 tỷ USD) năm ngoái và đầu tư thêm 25 tỷ euro ở Nga.

Việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và các lệnh trừng phạt sau đó đã khiến số lượng các công ty Đức đầu tư vào Nga giảm một phần ba. Tuy nhiên, con số này chỉ là dưới 4.000 công ty vào năm 2020, vì nhiều người tin rằng sự hiện diện của họ có thể giúp Nga phát triển hơn. Vào ngày 24/2, niềm tin đó tan vỡ, khiến các công ty thuộc mọi quy mô tự hỏi phải làm gì tiếp theo.

Trong khi một số đã công bố quyết định rút lui, những người khác đang cố gắng tiếp tục, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây gây trở ngại lớn cho ngân hàng, vận tải xuyên biên giới, và khiến đồng ruble mất giá. Điều còn lại với nhiều doanh nghiệp là cảm giác vỡ mộng và buồn bã sâu sắc.

Các nhà sản xuất ôtô hàng đầu của Đức - BMW, Volkswagen, Mercedes-Benz và Daimler Truck - đều đã thông báo vào tuần trước sẽ ngừng xuất khẩu và sản xuất tại Nga. Các công ty thuộc sở hữu gia đình, bao gồm ZF Group, một nhà sản xuất phụ tùng xe hơi và Haniel, quản lý một số doanh nghiệp độc lập, cũng đang làm như vậy.

Hiệp hội Doanh nghiệp Phương Đông của Đức, một nhóm các công ty trong nhiều thập kỷ đã cổ vũ cho mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với Moskva, sẽ kỷ niệm 70 năm thành lập vào năm nay. Một số thành viên của hiệp hội trước đó đã được lên lịch gặp Tổng thống Nga vào tuần trước. Chuyến đi bị hủy sau sự kiện Ukraine.

"Hiện tại, chủ đề của các biện pháp trừng phạt và hậu quả của chúng ít hơn câu hỏi liệu chúng ta có còn quan hệ kinh tế quan trọng với Nga trong tương lai hay không", Oliver Hermes, Chủ tịch hội cho biết. Năm 2014, nhóm này từng vận động chống lại các hình phạt kinh tế nghiêm khắc với Moskva. Nhưng lần này, họ muốn chiến sự phải chấm dứt càng sớm càng tốt để cứu vãn mối quan hệ.

1 Noi Buon Cua Doanh Nghiep Duc Lam An O Nga

Ông Oliver Hermes (thứ hai bên trái qua) cùng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (thứ ba bên trái qua) trong chuyến thăm Nga năm 2016. Ảnh: AP

Nhiều năm trước, Martin Daller, CEO nhà sản xuất thiết bị điều khiển chiếu sáng Seebacher, không quan tâm đến việc đầu tư vào Nga. Nhưng đó là một thị trường rộng lớn, hấp dẫn nên khi một quản lý người Nga rời công ty đối thủ và thuyết phục ông mở chi nhánh ở nước này, ông đã gật đầu thử. Công việc kinh doanh bắt đầu khởi sắc trong năm nay thì sự kiện 24/2 nổ ra.

"Bây giờ, chúng tôi đang tự hỏi mình nên làm gì. Chấm dứt hợp đồng và sa thải anh ta chăng", Daller nói về góc độ tài chính thì không ảnh hưởng mấy nhưng nhân sự này là ông bố ba con và cả gia đình phụ thuộc vào công việc của anh ấy.

Không chỉ các công ty nhỏ đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Wintershall Dea, một công ty dầu khí của Đức hiện diện ở Nga 30 năm, đã hủy cuộc họp báo thường niên định tổ chức hôm 25/2. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 2/3, bày tỏ sự báo động. "Những gì đang xảy ra làm lung lay chính nền tảng hợp tác của chúng ta", công ty cho biết.

Công ty nói riêng rằng họ sẽ ngừng thanh toán cho Nga và hủy khoản đầu tư một tỷ euro vào đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 nối Nga và Đức, do Berlin đã đình chỉ vào ngày 22/2. Họ cũng sẽ không nhận được bất kỳ doanh thu nào từ hoạt động dầu khí tại Nga, vốn chiếm gần một phần năm lợi nhuận năm 2021.

Không phải mọi công ty Đức đều rút lui. Metro, một công ty thực phẩm bán buôn với 93 địa điểm ở Nga, với doanh thu 2,4 tỷ euro vào năm ngoái, cho biết tiếp tục hoạt động vì lo ngại rằng việc rút lui sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân. "Không ai trong số 10.000 nhân viên của chúng tôi ở Nga phải chịu trách nhiệm cá nhân về cuộc chiến ở Ukraine", công ty cho biết.

2 Noi Buon Cua Doanh Nghiep Duc Lam An O Nga

​Peter Fenkl, CEO Ziehl-Abegg. Ảnh: AP

Metro cũng đang cố gắng vận hành một trong 26 cửa hàng ở Ukraine, tùy thuộc vào tình hình an ninh, và đang hỗ trợ các nỗ lực cung cấp dịch vụ cho những người buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Ngoài tác động với các công ty đã đầu tư vào Nga, các nhà phân tích dự đoán rằng nền kinh tế Đức nói chung sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá năng lượng và thực phẩm. Tuy nhiên, giới chính trị gia đã vận động tinh thần hy sinh của dân chúng vì mục tiêu họ cho là lớn hơn.

"Đất nước của tôi, Đức, sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi các lệnh trừng phạt đã được Liên minh châu Âu và Mỹ thông qua. Chúng tôi đã chuẩn bị để chịu đựng. Tự do là vô giá", Emily Haber, Đại sứ của Đức tại Mỹ tuyên bố.

Phiên An (theo NYT)

Nguồn: VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC