Đường ống Nord Stream 2 tại Lubmin, Germany. Ảnh: Nord Stream 2 AG.
Hành động pháp lý
Tổng thống Nga (21/02) đã chính thức công nhận độc lập đối với Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk. Hai nhà nước ly khai ở miền đông Ukraine đã được thành lập vào năm 2014 sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Bằng quyết định của mình, nhà lãnh đạo Nga đã vạch ra một ranh giới nhất định trong điều kiện mâu thuẫn chính trị giữa Nga và Mỹ/phương Tây vô cùng trầm trọng, nhất là mâu thuẫn ngoại giao về Ukraine.
Không có bất ngờ trong những tháng gần đây, phía Nga đã nhận được những tín hiệu rõ ràng rằng, trong trường hợp Nga không xây dựng được chính sách phối hợp có điều kiện với các nước phương Tây (đặc biệt là với Mỹ) trong mối quan hệ với Ukraine, câu trả lời sẽ là những biện pháp trừng phạt mới đối với nền kinh tế Nga. Theo nhiều chuyên gia và giới quan sát ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, một trong những yếu tố nhạy cảm nhất là triển vọng đưa vào vận hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (NS2), đặt dọc theo đáy Biển Baltic, nối trực tiếp giữa Nga và Đức.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng năng lượng Nga Nikolai Shulginov, các đối tác châu Âu của tập đoàn dầu khí Gazprom trong dự án này có thể đệ đơn kiện nếu đường ống không được vận hành do các lệnh trừng phạt chống Nga. Theo trang tin Energy Intelligence, nếu NS2 không thể vận hành sẽ là một tổn thất lớn và phải có ai đó bồi thường cho những tổn thất này. Vấn đề cung cấp khí đốt không nên bị chính trị hóa.
Ngoài ra, ông Shulginov bày tỏ sự nghi ngờ rằng, gói năng lượng thứ ba của EU sẽ không cho phép Gazprom sử dụng 100% công suất đường ống. Theo quy định của gói năng lượng này, các nhà cung cấp độc lập sẽ sử dụng 50% công suất đường ống. Đường ống NS2 có công suất vận chuyển đạt 55 tỷ m3/năm. Trong số các đối tác châu Âu tham gia dự án có các tập đoàn Royal Dutch Shell, OMV, Engine, Uniper và Wintershall.
Rủi ro trong đảm bảo nguồn cung
Tại Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF), Tổng thống Nga V.Putin cho biết, LB Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt thiên nhiên ổn định, bao gồm cả nhiên liệu LNG cho thị trường thế giới. Nga cũng sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng liên quan và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khí đốt. Cũng tại Diễn đàn này, Bộ trưởng Năng lượng Nga Shugilnov cho biết, cơ hội đưa NS2 vào vận hành trong năm 2022 đã giảm đáng kể, Chuyên gia Dmitry Marinchenko của Fitch nhận định, không thể loại trừ khả năng đường ống này sẽ trở thành đối tượng của các biện pháp chính thức. Về lý thuyết, Gazprom có thể tiếp tục đảm bảo nguồn cung khí đốt cần thiết thông qua trung chuyển qua Ukraine hoặc qua tuyến đường ống Yamal-Europe (hiện vẫn chưa được nạp đầy). Việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz đình chỉ quá trình chứng nhận cho đường ống NS2 không có nghĩa là đến lúc phải “đắp chiếu” dự án.
Các nhà phân tích thị trường tại ngân hàng Otkrytie cho biết, có khả năng trong trường hợp không có leo thang quân sự ở Donbass, sẽ không có lệnh trừng phạt thực sự đáng kể nào đối với NS2. Mặt khác, chính các chính trị gia Đức lại đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động kinh doanh của chính họ. Đây là điểm mấu chốt của tình hình hiện nay. Do đó, cuộc đấu tranh chính trị nội bộ ở Đức có nguy cơ trở nên gay gắt hơn nữa. Tuy nhiên, quyết định phê duyệt dự án của nhà quản lý rõ ràng sẽ bị hoãn lại cho đến khi tình hình địa chính trị được cải thiện.
Tương lai của dự án
Các chuyên gia phân tích tại BCS Global Markets cho biết, quyết định ngừng chứng nhận NS2 của chính quyền Đức mang tính tạm thời. Nếu xâu chuỗi các sự kiện gần đây, quyết định đó không phải là một bất ngờ lớn. Việc “đóng băng” NS2 rõ ràng là quyết định chính trị và hiện không có nhiều hy vọng cho một giải pháp pháp lý cho vấn đề này. Tuy nhiên, nếu không có thêm các sự kiện mang tính leo thang căng thẳng, phía Đức có thể cho phép tiếp tục quá trình chứng nhận.
Một số chuyên gia Nga khác cho rằng, các biện pháp trừng phạt đối với NS2 có thể được coi là phương sách cuối cùng và chỉ là một lựa chọn cực đoan. Cần lưu ý rằng, nhà điều hành dự án là Nord Stream 2 AG đã hoàn tất các điều kiện do chính quyền Đức yêu cầu, nhưng chưa có sự thay đổi nào trong quá trình chứng nhận cho NS2. Giờ đây, các thành viên EU đang thảo luận nghiêm túc về khả năng cấm hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt thiên nhiên của Nga. Đã xuất hiện những ý kiến khác nhau nhưng phía Mỹ sẽ nỗ lực tác động thông qua các biện pháp nghiêm khắc nhất.
Vấn đề đối với thị trường khí đấu châu Âu hiện nay là trữ lượng khí đốt ngầm ở mức rất thấp trong khi giá khí đốt vẫn ở mức cao, thậm chí có thể tăng mạnh trở lại. Do đó, châu Âu sẽ nỗ lực thuyết phục Mỹ không áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Nga, miễn là không xảy ra cuộc chiến tranh lớn giữa Nga và Ukraine.
Tiến Thắng
Nguồn: nangluongquocte.petrotimes.vn