Xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu trên thế giới vọt lên mức kỷ lục. Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 14/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã điều chỉnh giảm xuống còn 108 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 16,05% so với một tháng trước đó. Còn dầu WTI được giao dịch ở ngưỡng giá 104 USD/thùng, đánh dấu mức tăng 15,52%.
Giới quan sát cho rằng giá dầu thô tăng vọt khiến giá xăng dầu tăng cao, tạo thêm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình và gia tăng áp lực lạm phát đối với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Trong tuần trước, theo ADAC - hiệp hội ôtô lớn nhất châu Âu, giá xăng E10 và dầu diesel tiêu chuẩn tại các trạm xăng ở Đức lần đầu vượt ngưỡng 2 euro/lít.
Theo ADAC, giá dầu diesel tăng đột biến do nhu cầu sưởi tăng lên. Thêm vào đó, nhiều người tiêu dùng lo ngại nguồn cung sẽ cạn kiệt vì xung đột Nga - Ukraine và đổ xô mua vào.
Phụ thuộc dầu Nga
Kể từ Giáng sinh năm ngoái, giá xăng E10 và dầu diesel ở Đức tăng lần lượt 26% và 35%. ADAC cảnh báo giá nhiên liệu ở Đức có thể tăng cao hơn nữa do hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine và những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
Các tài xế ở Đức còn phải trả thêm thuế CO2 đối với xăng và dầu diesel kể từ đầu năm 2021. Trong lĩnh vực giao thông và nhà ở, mức phí 30 euro/tấn CO2 sẽ dần được nâng lên 55 euro vào năm 2025.
Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Vào tháng 12 năm ngoái, Nga xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm khác ra toàn cầu, bao gồm 5 triệu thùng dầu thô được sử dụng để sản xuất xăng.
Mới đây, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố có thể ngừng xuất khẩu khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang Đức và phần còn lại của châu Âu. Tháng trước, Đức đã quyết định ngừng dự án Nord Stream 2. Cùng với đó là hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.
Khoảng 1/4 năng lượng của khu vực đồng EUR được tạo ra từ khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, Nga chiếm khoảng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của khối, một trong số các đường ống chạy qua Ukraine. Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, bất cứ sự gián đoạn nào đối với nguồn nhập khẩu khí đốt có thể gây tác động đáng kể đối với sản lượng kinh tế và lạm phát của khu vực.
Theo tính toán của các chiến lược gia Goldman Sachs, giá khí đốt tăng cao có thể khiến tăng trưởng GDP của khu vực đồng EUR giảm thêm 0,6 điểm phần trăm, còn tăng trưởng GDP của Anh bị ảnh hưởng 0,1 điểm phần trăm.
Mức sụt giảm tăng trưởng GDP của kinh tế Đức thậm chí còn lớn hơn, lên tới 0,9 điểm phần trăm. Nguyên nhân là nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Nguồn cung toàn cầu thu hẹp
Ngay cả Mỹ - quốc gia không phụ thuộc vào dầu khí Nga - cũng chứng kiến giá nhiên liệu tăng vọt. Theo dữ liệu của Hiệp hội ôtô Mỹ, hôm 11/3, giá xăng bán lẻ tại các trạm xăng trên khắp nước Mỹ đã tăng lên mức trung bình kỷ lục 4,331 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,78 lít). Vào ngày 13/3, giá xăng bán lẻ đã ghi nhận ngày giảm thứ hai liên tiếp xuống còn 4,325 USD/gallon.
"Giá xăng điều chỉnh giảm do giá dầu lao dốc mạnh vào ngày 9 và 10/3. Nhưng giá vẫn có thể tăng trở lại nếu giá dầu cao hơn", ông Patrick De Haan - Trưởng bộ phận Phân tích Xăng dầu tại GasBuddy - cảnh báo.
Theo CNN, khi giá xăng dầu sụt giảm, nhiều tài xế có thể tranh thủ cơ hội để đổ xăng đầy bình. Tuần trước, các tài xế ở Mỹ và Canada đã phải tìm cách cắt giảm những chi phí khác để trang trải giá nhiên liệu tăng cao.
Theo trang web theo dõi giá xăng GasBuddy.com, tính đến cuối tuần trước, giá nhiên liệu bán lẻ trung bình ở Canada đã tăng lên gần 1,87 USD/lít, tăng từ mức 1,66 USD/lít vào tuần trước. Giới quan sát cảnh báo giá xăng dầu trên khắp Canada sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Rất ít dầu Nga được đưa sang Mỹ, chỉ khoảng 90.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 12. Trong khi đó, châu Âu và Trung Quốc chiếm lần lượt 60% và 20% lượng dầu xuất khẩu của Nga.
Tuy nhiên, dầu được mua và vận chuyển trên khắp thế giới thông qua thị trường hàng hóa toàn cầu. Do đó, giá sẽ tăng lên do nguồn cung lao dốc.
Sau khi phương Tây áp các lệnh trừng phạt chưa từng có lên nền kinh tế Nga, hầu như mọi nhà giao dịch đều né tránh dầu Nga. Bởi có quá nhiều bất ổn xoay quanh loại hàng hóa này. Những lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng Nga có thể cản trở giao dịch, việc tìm kiếm những tàu chở dầu đi tới các cảng biển của Nga cũng khó khăn.
Theo ước tính gần đây của JPMorgan Chase, hơn 4 triệu thùng dầu của Nga đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Vì thế, các nhà đầu tư định giá dầu như thể nguồn cung dầu từ Nga không còn, dẫn đến giá tăng cao.
Trong khi đó, các công ty dầu của Mỹ vẫn đang gượng dậy từ cú sụp đổ của giá dầu hồi năm 2020, khiến hàng loạt công ty phá sản. Kể từ đó tới nay, cổ phiếu của những tập đoàn dầu mỏ lớn cũng hoạt động kém hơn thị trường nói chung.
Các công ty dầu mỏ Mỹ cũng cảnh giác với những chính sách môi trường có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trong tương lai.
Nguồn: ZING