Theo Tham mưu trưởng quân đội Đức Eberhard Zorn, nước này đang tính mua hệ thống phòng không để chống lại các mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo Nga.

1 Tham Muu Truong Quan Doi Duc Lo Ngai Ten Lua Dan Dao Nga

Tham mưu trưởng quân đội Đức Eberhard Zorn. Ảnh: Reuters

“Tên lửa đạn đạo Iskander của Nga có tầm bắn gần như bao trùm toàn bộ phía tây châu Âu, và không có hệ thống phòng thủ nào ở đó để chống lại mối đe dọa này. Israel và Mỹ có những hệ thống phòng thủ tên lửa. Vấn đề là chúng tôi muốn phương án nào hơn? Liệu chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đó là những câu hỏi mà hiện chúng tôi cần câu trả lời”, hãng tin Reuters dẫn ông Zorn nói hôm nay (2/4).

Dù ông Zorn không nêu cụ thể tên của những hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Israel, nhưng có vẻ như ông đã đề cập tới hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa Arrow-3 được Tập đoàn công nghiệp Israel Aerospace Industries sản xuất, hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Tập đoàn công nghệ Raytheon của Mỹ phát triển.

“Có một điều rõ ràng rằng, chúng ta không có thời gian cũng như tiền bạc để tự mình phát triển những hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy, trong khi mối đe dọa đã hiện diện ở ngay đó”, Tham mưu trưởng quân đội Đức Eberhard Zorn nói thêm.

Iskander là tên lửa đạn đạo tầm ngắn được quân đội Nga đưa vào biên chế hồi năm 2006 nhằm thay thế do hệ thống OTR-23 được phát triển từ thời Liên Xô. Tên lửa có trọng lượng 3,8 tấn, trong đó phần đầu đạn nặng khoảng 480kg; dài 7,2m và chu vi là 0,95m; tầm bắn khoảng 500km. Kíp chiến đấu và điều khiển tên lửa gồm 3 người.

2 Tham Muu Truong Quan Doi Duc Lo Ngai Ten Lua Dan Dao Nga

Tên lửa đạn đạo Iskander. Ảnh: Wikipedia

Iskander được áp dụng công nghệ tàng hình kỹ thuật plasma, tức là tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh phần đầu đạn khiến hệ thống radar của phía đối phương khó phát hiện ra. Do vậy, tên lửa này có khả năng ‘chui lọt’ khỏi sự giám sát của radar.

Ngoài ra, Iskander còn được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh kết hợp đầu tự dẫn quang học thế hệ mới cho phép tên lửa thay đổi quỹ đạo bay một cách linh hoạt. Do vậy, tên lửa phòng không đối phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dấu đầu đạn của Iskander, cũng như tiến hành đánh chặn.

Với những tính năng đặc biệt trên, tên lửa đạn đạo Iskander của Nga được triển khai ở tỉnh Kaliningrad từ năm 2018 đã trở thành mối bận tâm thường trực với nhiều lãnh đạo quân sự ở các nước châu Âu.

Nguồn: Tuấn Trần/ Vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC