Châu Âu ngắt kết nối với khí đốt của Nga, Mỹ tái kết nối với Venezuela... là các thay đổi trong trật tự năng lượng mới.

1 Trat Tu Nang Luong Moi Tren The Gioi Dang Hinh Thanh Tu Xung Dot Nga   Ukraine

Đức quyết định dừng dự án Nord Stream 2 - Ảnh: BLOOMBERG

Liên minh châu Âu đã phản ứng với chiến dịch quân sự này bằng cách đẩy nhanh việc ngắt kết nối với khí đốt của Nga, trong khi Mỹ quyết định cấm nhập khẩu dầu của Nga và cấp tập tìm nguồn cung thay thế khắp thế giới.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi đạt tầm quan trọng chiến lược. Và Nga, bằng cách đe dọa ngừng xuất khẩu năng lượng sang châu Âu, đang gần về Trung Quốc hơn, Bloomberg bình luận.

Đức đi đầu giảm phụ thuộc năng lượng Nga

Hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã kéo sang tuần thứ 3, những thay đổi đang diễn ra tạo cơ hội cho các liên minh mới theo một trật tự năng lượng thế giới mới.

"Điều này vẽ lại bản đồ năng lượng và địa chính trị lớn nhất ở châu Âu - và có thể là cả thế giới - kể từ khi Liên Xô sụp đổ", Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn có trụ sở tại Washington và là một cựu quan chức Nhà Trắng nói với Bloomberg.

Đi đầu trong những thay đổi này là nước Đức. Vài ngày sau khi Nga đưa lực lượng tiến vào Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố tăng mạnh ngân sách quốc phòng của Đức cùng với kế hoạch an ninh năng lượng lớn hơn.

Việc ngừng hoạt động đường ống khí đốt Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD - chỉ là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất cho thấy quá trình tái tổ chức nhanh chóng đang được tiến hành sau hành động của nước Nga.

Tuy nhiên, khi các khách hàng bỏ rơi Nga, quan hệ đối tác của nước này với các đối tác ở Trung Đông cho đến nay vẫn nguyên vẹn.

Ả Rập Saudi đã bỏ qua áp lực của Mỹ, từ chối việc khai thác năng lực sản xuất dự phòng để thay thế nguồn cung dầu từ Nga, khiến giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, gần 140 USD/ thùng. Nga và Ả Rập Saudi là những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, chiếm 29% tổng sản lượng toàn cầu.

Mỹ tái kết nối với Venezuela

Vào cuối tuần trước, một phái đoàn của Mỹ đã có chuyến thăm đến đồng minh của Nga là Venezuela - quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới.

Venezuela đã phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế kể từ thời Trump, vốn đã làm suy giảm khả năng bán dầu của nước này. Trong khi vẫn chưa nói về việc cho phép xuất khẩu trở lại, Tổng thống Nicolas Maduro đã đáp lại bằng tuyên bố công ty dầu khí nhà nước PDVSA đã sẵn sàng để nâng sản lượng lên tới 3 triệu thùng/ngày "cho thế giới".

Đối với Felix Arellano, giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Central de Venezuela ở Caracas, chuyến thăm của Mỹ là "bất ngờ, đáng ngạc nhiên, là sự thay đổi hoàn toàn trong định hướng chính sách," với năng lượng là chất xúc tác chiến lược.

Trung Quốc vẫn khó mua dầu của Nga? 

Kể từ sau chiến dịch quân sự của Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện "hợp tác thương mại bình thường" với Nga, bao gồm cả dầu khí. Trung Quốc cũng xem xét mua hoặc tăng cổ phần trong các công ty Nga như Gazprom PJSC, Bloomberg đưa tin.

Tuy nhiên, Qin Yan, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Refinitiv, ngay cả khi giả định Nga giảm giá dầu, các nhà nhập khẩu quốc doanh sẽ cân nhắc rất kỹ về tác động đối với hoạt động kinh doanh toàn khi giao dịch với một quốc gia đang chịu rất nhiều lệnh trừng phạt.

Li Shuo, nhà phân tích tại Greenpeace East Asia, cho biết mua năng lượng từ Nga cũng không phải là một giải pháp dễ dàng. "Để thay đổi cấu trúc năng lượng hiện tại của Trung Quốc, vốn đang sử dụng than bằng dầu và khí đốt của Nga, sẽ là một dự án lớn đối với Trung Quốc và sẽ mất nhiều thời gian", ông Shuo nói.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC