Washington được cho là đã giám sát Berlin thông qua các phương tiện điện tử.

Hôm 27/4, Báo Die Zeit và đài truyền hình công cộng ARD đưa tin rằng các điệp viên Mỹ đã tiếp tục nghe lén quân đội Đức thậm chí một thập kỷ sau vụ bê bối NSA năm 2013. Các hãng tin đã trích dẫn một tài liệu rò rỉ Lầu Năm Góc mới nêu chi tiết thông tin mà tình báo Mỹ đã thu thập được về các cuộc đàm phán giữa quân đội Đức và Trung Quốc.

Tài liệu được đề cập mô tả cuộc gặp vào tháng 2 giữa các quan chức Bộ Quốc phòng Đức và phái đoàn Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Người Đức từ chối hợp tác sâu hơn với các đối tác Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh trở nên "minh bạch" hơn, theo bài báo được các phương tiện truyền thông nhà nước tiết lộ.

Die Zeit và ARD cho biết họ coi tài liệu rò rỉ là "xác thực" dù Washington không chính thức xác nhận. Các nguồn tin cũng cho biết chính quyền Đức đã chính thức thông báo cho đại sứ quán Mỹ về cuộc gặp được mô tả trong tài liệu.

Theo Die Zeit và ARD, tài liệu bị rò rỉ cũng đã được cung cấp cho chính phủ Đức và hiện đang "thu hút sự chú ý của các cơ quan an ninh Đức". Tuy nhiên, không phải nội dung của tài liệu mà là cách thu thập thông tin khiến Berlin lo ngại, các nguồn tin cho biết thêm.

1 Truyen Thong Berlin To My Do Tham Bo Quoc Phong Duc

Truyền thông Berlin tố Mỹ do thám Bộ Quốc phòng Đức. Ảnh: GLP

Những tài liệu tuyệt mật mang "tín hiệu tình báo", cũng có nghĩa thông tin chứa trong đó được lấy thông qua giám sát điện tử. Theo truyền thông Đức, Berlin lo ngại rằng tình báo Mỹ đã thâm nhập vào email của Bộ Quốc phòng Đức hoặc tấn công hệ thống CNTT của nước này.

Mặc dù vậy, Bộ Quốc phòng Đức phủ nhận đã nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào về hoạt động gián điệp của Mỹ trong các tài liệu bị rò rỉ. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng nói với hãng thông tấn DPA của Đức hôm 27/4: "Tài liệu được công bố rõ ràng là bản ghi một phần của vòng đàm phán diễn ra tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, trong đó nội dung thảo luận về tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Người phát ngôn nói thêm: "Vì thông tin này được chúng tôi chia sẻ trực tiếp với Mỹ, nên những nghi ngờ về hoạt động gián điệp là không có cơ sở". Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Đức, bao gồm cả T-online, lưu ý rằng bình luận của Bộ không giải thích dấu hiệu các "tín hiệu tình báo" trên tài liệu.

Đây không phải là lần đầu tiên Washington bị cáo buộc do thám các đồng minh. Những hoạt động như vậy lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2013, phần lớn nhờ vào nỗ lực của Edward Snowden. Các tài liệu mà người đàn ông này công bố tiết lộ rằng điện thoại di động riêng của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị giám sát.

Theo Der Spiegel, cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) và cơ quan phản gián quân đội (MAD) đã có thời gian điều tra xem liệu Mỹ có thực sự do thám Bộ Quốc phòng vào tháng 2/2023 hay không. Tuy nhiên, thay vì đưa ra cáo buộc công khai, các quan chức tình báo Đức đã quyết định thảo luận một cách kín đáo với các đối tác Mỹ để làm rõ.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC