Tư lệnh quân đội Đức thừa nhận không có phương án chặn tên lửa Iskander ở Kaliningrad, đề xuất mua hệ thống phòng không Mỹ hoặc Israel để đối phó.

"Tên lửa Iskander đặt tại Kaliningrad có tầm bắn gần như bao trùm toàn bộ Tây Âu và khu vực này chưa có biện pháp phòng thủ. Israel, Mỹ có những hệ thống phù hợp. Vấn đề là ưu tiên phương án nào và có thể xây dựng lá chắn chung cho NATO hay không.

Chúng ta không có thời gian và ngân sách để tự phát triển những hệ thống như vậy, trong khi mối đe dọa đã thể hiện rõ ràng", tư lệnh quân đội Đức Eberhard Zorn cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay.

1 Tu Lenh Quan Doi Duc Lo Ngai Ten Lua Iskander Nga

Tướng Eberhard Zorn trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay. Ảnh: Welt.

Phát biểu được đưa ra khi tướng Zorn được hỏi liệu Đức có cần lá chắn tên lửa như Israel hay không. Ông thừa nhận nước này còn nhiều hạn chế trong năng lực phòng không. Quan chức Đức không nêu tên những hệ thống cụ thể, nhưng dường như đề cập đến lá chắn tên lửa đạn đạo Arrow 3 của Israel và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ phát triển.

Quân đội Đức hiện phân biệt lưới phòng không thành ba tầng. Đầu tiên là tầm gần, chuyên bảo vệ các đơn vị cơ động trên mặt đất. "Chúng ta có năng lực tương đối giới hạn với tầng bảo vệ này, nhưng đã khởi động quá trình tìm kiếm những hệ thống mới. Điều đó cần được triển khai sớm", tướng Zorn tiết lộ.

Tầng thứ hai là gồm các hệ thống phòng không Patriot mua từ Mỹ và đang cần hiện đại hóa, trong khi tầng cuối cùng là lá chắn tên lửa đạn đạo.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tháng trước thông báo sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên trên 2% GDP bằng cách bổ sung 110 tỷ USD cho quân đội. Quyết định được đưa ra sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Tướng Zorn nằm trong nhóm quan chức tham vấn cho Thủ tướng Scholz về kế hoạch chi tiêu quốc phòng sau khi tăng ngân sách.

2 Tu Lenh Quan Doi Duc Lo Ngai Ten Lua Iskander Nga

Vị trí vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Đồ họa: Google Maps.

Kaliningrad là vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga, tiếp giáp với hai thành viên NATO gồm Litva và Ba Lan, cũng là nơi đặt tổng hành dinh Hạm đội Baltic hải quân Nga. Với vị trí chiến lược nằm lọt giữa lòng NATO, đây được xem như chốt chặn của Moskva trong trường hợp nổ ra xung đột.

Quân đội Nga đã triển khai nhiều khí tài hiện đại tới khu vực này, trong đó có tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M, tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion và hệ thống phòng không S-400.

Iskander là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, khối lượng phóng 3,8 tấn, tầm bắn tối đa 500 km, có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.

3 Tu Lenh Quan Doi Duc Lo Ngai Ten Lua Iskander Nga

Xe phóng tên lửa Iskander được bàn giao cho quân đội Nga hồi năm 2016. Ảnh: KBM.

Điểm nổi bật của Iskander là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng tính năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.

Phiên bản Iskander-M còn được trang bị đầu dò quang - điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc phi cơ cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, cho phép tên lửa đánh trúng cả mục tiêu di động với sai số chỉ hai mét.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC