“Thủ tướng cho rằng việc khóa tài khoản của một tổng thống đương nhiệm là có vấn đề. Các quyền như tự do ngôn luận có thể bị can thiệp, nhưng theo luật và trong khuôn khổ do cơ quan lập pháp xác định, không phải theo quyết định của 1 công ty” – phát ngôn viên của bà Merkel nói tại 1 cuộc họp báo ở thủ đô Berlin.
“Tự do ngôn luận là quyền cơ bản có tầm quan trọng hàng đầu. Quyền cơ bản này có thể bị can thiệp, nhưng phải thông qua luật và trong khuôn khổ do cơ quan lập pháp xác định, chứ không phải theo quyết định của các công ty mạng xã hội” – người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert cho biết.
Người phát ngôn đồng thời lưu ý việc chặn hoàn toàn tài khoản mạng xã hội là một động thái quá mức, nhưng ông vẫn ủng hộ việc mạng xã hội gắn cờ cảnh báo vào những bình luận, bài đăng sai sự thật trong những tháng gần đây.
Trước đó, Thủ tướng Merkel cho biết bà “rất tức giận và đau buồn” về vụ những người ủng hộ Tổng thống Trump xông vào làm loạn ở Điện Capitol hôm 6/1, khiến 5 người chết và nhiều người bị thương.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị Twitter đình chỉ vĩnh viễn tài khoản. Ông Trump tuyên bố sẽ xem xét việc tạo ra một nền tảng mới và “dân chủ” hơn.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã sử dụng tài khoản chính thức của Nhà trắng là @POTUS để truyền đi thông điệp cho biết, đang gấp rút đàm phán với các trang mạng xã hội khác để tự xây dựng một website của riêng mình trong tương lai gần. Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định ông “sẽ không im lặng”.
Tuy nhiên, tuyên bố này cũng chỉ tồn tại được vài phút trên trang Twitter trước khi bị xóa. Quyền truy cập vào tài khoản @POTUS của Tổng thống Mỹ cũng đã bị thu hồi.
Trước đó, Facebook, Instagram tuyên bố chặn tài khoản của Tổng thống Trump cho đến khi tiến trình chuyển giao quyền lực cho Tổng thống tân cử Joe Biden hoàn tất.
Thực tế, quan điểm của Đức và Pháp không cho thấy sự ủng hộ ông Trump mà tập trung vào việc phản ứng với cách hành xử của các ‘ông lớn’ công nghệ Mỹ.
Châu Âu đang tăng cường đẩy lùi sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty công nghệ lớn bằng cách thiết lập các quy định để cho phép khối này ra quy định đánh thuế hoặc trừng phạt các nền tảng mạng xã hội nếu họ không tuân thủ quy định.
Đầu năm 2021, các nhà lãnh đạo EU quyết tâm triển khai chiến lược tự chủ kỹ thuật số.
Theo các nhà hoạch định chính sách EU, các quy định mới như: Đạo luật về dịch vụ kỹ thuật số (DSA), Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA)… vừa được Ủy ban châu Âu đề xuất trong lộ trình triển khai chiến lược tự chủ kỹ thuật số sẽ buộc 5 tập đoàn công nghệ của Mỹ gồm Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft phải nộp thuế thu nhập lên tới 23% như doanh nghiệp châu Âu thay vì chỉ nộp 9% như hiện nay.
“Mọi doanh nghiệp đều được chào đón tại châu Âu và trách nhiệm của chúng tôi là phải quyết định buộc họ tuân theo quy định, nguyên tắc của mình để bảo vệ lợi ích của châu Âu”, ông Thierry Breton – Ủy viên Ủy ban châu Âu về Thị trường nội khối nói.
Với chính sách thuế mới, EU có thể thu được 5 tỷ Euro/năm từ lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghệ. Những quy định mới cũng yêu cầu các tập đoàn công nghệ của Mỹ phải chia sẻ thuật toán sử dụng trong các dịch vụ/nền tảng số; hiệu quả khai thác dữ liệu người dùng với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng của châu Âu; báo cáo các thương vụ mua bán – sáp nhập cho chính phủ các nước EU nhằm ngăn chặn khả năng triệt tiêu các doanh nghiệp châu Âu yếu thế. Nếu vi phạm những quy định này, các doanh nghiệp Mỹ có thể bị phạt từ 6 – 10% doanh thu toàn cầu.
Châu Âu có thể sớm triển khai chính sách thuế mới với các công ty công nghệ Mỹ. Pháp là quốc gia đầu tiên trong EU áp dụng vấn đề này từ tháng 12/2020.
Nguồn: Báo Đất Việt