Ấm áp mâm cỗ cúng tất niênChiều 30 Tết, gia đình chị Hạnh Liên (phố Khâm Thiên, Hà Nội) lại quây quần bên mâm cỗ tất niên. Ba người em chị Liên đi làm ăn xa cũng đã kịp về đoàn tụ cùng gia đình.

Buổi sáng, chị Liên đi chợ mua nốt những thứ cần thiết như­ thịt lợn, rau quả, trầu cau, hoa tư­ơi… chuẩn bị làm bữa cơm cuối năm cho cả gia đình. Chị cho biết, mâm cơm cúng Tất niên không thể thiếu trong ngày 30, được tất cả mọi người trong gia đình chị đón đợi.

Em trai chị công tác ở TP HCM, đưa cả nhà ra Hà Nội ăn Tết. Bọn trẻ ở xa rất thích thú với không khí se lạnh của thủ đô, tít tít phụ giúp ông bà, các bác trang trí nhà cửa, chuẩn bị nấu nướng, không ngơi miệng hỏi han những thứ ở thủ đô mà chúng chưa được thấy bao giờ.

"Năm nào gia đình chúng tôi cũng quây quần bên bữa cơm chiều cuối năm. Đây không chỉ là dịp gặp gỡ sum vầy, bữa cơm cúng dâng lên tổ tiên còn là để mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu", chị Hạnh Liên nói.

Gia đình anh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng khá bận rộn ngày cuối năm. Hai vợ chồng buôn bán nhỏ nên vẫn phải tất bật bán hàng, vừa tranh thủ dọn dẹp trang trí nhà cửa. Mặc dù bận bịu song chiều 30 Tết, vợ chồng anh vẫn về quê nội ở Ninh Bình dự bữa cơm cuối năm với cả gia đình, rồi buổi tối lại tất bật quay ra thủ đô đón giao thừa.

"Ngày Tết đi lại rất vất vả song chúng tôi không thể vắng mặt trong bữa cơm ngày 30 với gia đình. Thấy các cụ ở quê vui vẻ khi con cái về đoàn tụ khiến mình quên hết mệt mỏi. Không năm nào vợ chồng tôi không về quê ăn tất niên với cha mẹ", anh Hưng cho hay.

Gia đình nhà sử học Dương Trung Quốc cũng quây quần trong bữa cơm chiều 30 với tất cả con cháu bên nội. Ông Quốc cho rằng, bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết song đó là phong tục của người dân Việt Nam. Đây không phải là lễ bắt buộc nên có nhiều nhà không có bữa cơm này, song là dịp cần thiết để mỗi gia đình sum họp, gặp gỡ những người con cháu ở xa sau một năm.

"Bữa cơm tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến", nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

"Thật ấm áp khi nghĩ về những bữa cơm chiều 30 khi nhỏ tuổi. Từ hồi lấy chồng, tôi không còn thấy bữa cơm tất niên nữa", chị Minh Thư, quận Thanh Xuân chia sẻ. Chị cho biết, nhà chồng quê ở vùng biển Thái Bình không có tập quán cúng tất niên nên ăn tết ở quê chồng, chị không có được cảm giác ấm cúng như ngày ở nhà mẹ đẻ.

Chị Thư kể, hồi chị còn nhỏ, bữa cơm chiều 30 luôn có đủ 3 hoặc 4 thế hệ cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện. Mâm cơm có đủ bánh chưng, dưa hành, giò mỡ… con cái khoe thành tích đã làm trong năm, từ chuyện học hành đến việc làm ăn. Ông bà ôn lại những câu chuyện xa xưa, lịch sử của dòng họ, nhắc nhở con cháu học hành tiến bộ, phát huy truyền thống quê hương, gia đình.

Ở một số địa phương, chiều ngày 30, các gia đình thường ra mộ thắp hương, mời tổ tiên về ăn tết với con cháu. Còn phần lớn gia đình người Việt thì mời tổ tiên về đón tết bằng mâm cơm tất niên trên ban thờ.

Sau bữa cơm tất niên, mọi người bắt đầu chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. Sau lễ cúng, các gia đình thường tổ chức một bữa tiệc nhỏ để con cháu chúc phúc ông bà, cha mẹ. Người lớn cũng dành những đồng tiền lẻ còn mới để mừng tuổi con trẻ, mong chúng ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, tiến bộ.

Theo Phong tục Việt Nam

Cúng Tất niên: lúc đầu được hiểu như là hoàn tất công việc trong năm, tức cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng nên dần dà, mọi người đều cúng. Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.

Đối với Tết cổ truyền, dịp tất niên là lúc mọi nhà chuẩn bị cho Tết, mua tích trữ thực phẩm và đồ dùng thiết yếu. Những nhà làm nghề nông cũng tích trữ vật nuôi hay hoa màu từ trong năm cũ cho dịp Tết.

Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC