Khác với những phiên chợ cầu may khác, ở chợ Chuộng, người ta còn ném vào người nhau những quả cà chua để… lấy may. Nhiều thanh niên quá khích còn chuẩn bị vũ khí để "giải quyết ân oán".
Hằng năm vào mùng 6 Tết, người dân ba huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) lại nô nức kéo nhau đi chợ Chuộng (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn).
Tương tự như chợ Viềng (Nam Định), ở chợ Chuộng người dân cũng tin rằng người bán thì bán đi những rủi ro, xui xẻo, còn người mua thì mua về những may mắn. Thế nên ai cũng tìm mua một mặt hàng dù là nhỏ để lấy may.
Khác với những phiên chợ cầu may khác, ở chợ Chuộng, người ta còn ném vào người nhau những quả cà chua để… lấy may. Họ cho rằng cà chua màu đỏ, ném vào người thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn. Nhưng cũng có khi, “vũ khí” để tạo may mắn không chỉ là cà chua mà còn là táo xanh, trứng vịt lộn, hay quả sung…Từ lâu, đây đã là nét “văn hóa” của chợ nên dù bị ném đến ướt, bẩn hết người song cũng không ai nổi cáu.
Lần đầu tiên tới phiên chợ, chị Lê Thị Nhung cho biết: “Việc ném cà chua ở chợ này mình cũng đã nghe nói, nhưng không ngờ lại bị ném nhiều như thế. Mình bẩn hết đầu còn cô bạn thì bị ném rơi cả kính”.
Một số người dân gần khu vực chợ diễn ra thì lại cấm con cái không được bén mảng tới chợ. Nguyên nhân cũng bởi tại phiên chợ này, những nợ nần, ân oán, hiềm khích của năm cũ được giải quyết bằng “nắm đấm”. Đám thanh niên trước hôm đi chợ đã chuẩn bị sẵn vũ khí để khi có xích mích là sẵn sàng “xung trận”.
Hầu hết người dân ở đây cho biết, từ xưa, tham gia phiên chợ thanh niên đã đánh nhau rồi, không đánh nhau thì không có may. Nếu đám đánh nhau chạy vào làng nào thì năm đó làng ấy sẽ làm ăn phát đạt. Càng đánh nhau to thì may mắn càng lớn.
Cũng trong ngày họp chợ, thanh niên các làng tuyệt đối không được xâm phạm “lãnh thổ” của nhau. Nếu người Đông Sơn hay Thiệu Hóa mà qua sông sang đất Triệu Sơn thì sẽ bị đánh và ngược lại. Thế nên, từ sáng sớm mùng 6, thanh niên Triệu Sơn mang loa đài ra bờ sông, mờ nhạc ầm ĩ nhưng cũng chỉ đứng bên đó mà nhìn sang chứ không dám qua sông.
Anh Cao Văn Tuân (Thiệu Hóa) vừa xuýt xoa vì vết xước trên mặt, những vết lằn trên lưng vừa nói: “Mình có việc nên phải sang sông qua đất Thiệu Hóa, lập tức bị một đám thanh niên dùng gậy gộc đánh và đấm đá túi bụi khiến mình tối sầm mặt mũi. May mà có một người lớn lại can thiệp nên đám thanh niên mới thôi không thì cũng không biết sẽ ra sao”.
Ông Lê Đức Bạn, Trưởng công an xã Đông Hoàng (Đông Sơn) cho biết đây là phiên chợ họp từ rất lâu đời. Từ lâu việc ném cà chua, trứng... vào khách tới chợ được xem như một nét văn hóa của người dân ba huyện Đông Sơn, Triệu Sơn và Thiệu Hóa.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số thanh niên quá khích lợi dụng phiên chợ để đánh nhau gây mất trật tự nên xã đã tăng cường lực lượng kiểm soát, nhắc nhở nhằm hạn chế đổ máu. Năm nay, cả đội có 20 người trong đó có một công an huyện phụ trách địa bàn và các công an viên, lực lượng dân quân tự vệ túc trực từ sáng sớm đến lúc chợ tan.
"Mỗi năm có vài ba vụ đánh nhau, hầu hết là do mâu thuẫn từ lâu giữa thanh niên làng này với làng kia, xã này với xã kia. Năm 2008, hai thanh niên đánh nhau khiến một trong số hai người bị đâm thủng dạ dày", ông Bạn cho biết.
Cũng theo vị trưởng công an xã này, nếu chỉ xô xát nhỏ thì công an tiến hành hòa giải, hay để họ tự giải quyết nội bộ. Nhưng nếu đánh nhau lớn, có vũ khí thì sẽ xử phạt.
Tương truyền, nguồn gốc của chợ Chuộng bắt nguồn từ đầu thời nhà Lê khi một vị vua đánh giặc ngang qua vùng này vào ngày mùng 6 Tết thì bị giặc vây bắt. Vị vua này huy động người dân họp chợ để che mắt giặc. Người dân tại đây sau đó căn cứ vào tích này để tổ chức phiên chợ.
Theo VNE.