Câu chuyện xâm phạm bản quyền sản phẩm của một công ty trang trí nội thất Việt Nam tại hội chợ Ambiente, Đức vừa qua một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về cách làm ăn phớt lờ “văn hóa kinh doanh” của một bộ phận doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.
Tại Hội chợ Ambiente vừa diễn ra trung tuần tháng 2 tại Frankfurt (Đức), Công ty LP Vietnam chuyên về sản phẩm trang trí Nội thất (Home Decor) đã phối hợp với Hải quan Đức phát hiện và thu giữ các sản phẩm xâm phạm bản quyền tác giả của LP Vietnam. Điều đáng nói, sản phẩm vi phạm là của doanh nghiệp trong nước.
Từ việc xâm phạm bản quyền
Theo ông Nguyễn Liên Phương, Tổng giám đốc LP Vietnam, các sản phẩm bị xâm phạm là các sản phẩm “mỹ thuật ứng dụng” đã được đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam và được bảo hộ tự động tại 164 quốc gia trên thế giới theo Công ước Berne (về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật) mà Việt Nam là thành viên từ năm 2004.
Ông Phương bày tỏ, các sản phẩm vi phạm đã sao chép kiểu dáng sản phẩm-sự sáng tạo của sản phẩm. Để thực hiện được quyền bảo hộ bản quyền theo Công ước Berne, Công ty LP Vietnam đã thuê luật sư nước sở tại, cũng tham gia Công ước Berne, tiến hành các thủ tục cần thiết.
“Hành động trên của LP Vietnam nhằm tạo tiền lệ tốt cho các công ty có các sản phẩm mang tính sáng tạo cao trong việc bảo vệ bản quyền sản phẩm khi bị xâm phạm, đặc biệt đối với các sản phẩm đang ăn khách”, ông Phương nói.
Sản phẩm Home Decor của LP đã được xuất khẩu tới trên 60 quốc gia, được Tổ chức Business Initiative Direction (BID), trụ sở tại Madrid - Tây Ban Nha trao giải thưởng Cúp vàng chất lượng Quốc tế - Century Internatinal Quality Era Award 2009.
Đến việc "kinh doanh có văn hóa" khi hội nhập
Tổng Giám đốc LP Vietnam Nguyễn Liên Phương cho rằng văn hóa kinh doanh là tôn trọng và đề cao sự sáng tạo Điều đáng nói qua sự việc nêu trên, theo ông Phương, là vấn đề kinh doanh có văn hóa trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Một nét của văn hóa kinh doanh này là tôn trọng sự sáng tạo, yếu tố quan trọng của kinh doanh, đem lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ông Phương cho biết, công ty của ông đã dành khoảng 20% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Tại một cuộc hội thảo về xây dựng văn hoá doanh nghiệp thời kỳ hội nhập diễn ra năm ngoái tại Hà Nội, nhiều học giả, nhà nghiên cứu về văn hoá, kinh tế đã thống nhất văn hoá kinh doanh chính là một cơ sở quan trọng giúp cộng đồng 460 ngàn doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những sóng gió trên con đường hội nhập. Thiếu yếu tố này, doanh nghiệp sẽ không thể thắng trong cuộc cạnh tranh gắt gao khi hội nhập mà ngược lại còn “rước họa vào thân” như trường hợp nêu trên. Nhà văn Lê Lựu, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa doanh nhân, từng cho biết trong cuộc phỏng vấn với báo chí rằng một số không nhỏ trong đội ngũ doanh nhân của ta hiện nay thiếu kiến thức văn hóa trong kinh doanh. Chính vì vậy, trong các hoạt động thương mại vẫn còn xảy ra tình trạng kinh doanh kiểu chụp giật, chỉ tính cái được trước mắt mà quên đi sự bền vững lâu dài. Trong khi đó, hội nhập hơn bao giờ hết lại càng cần yếu tố văn hóa mà văn hóa lớn nhất chính là làm đúng luật lệ, tôn trọng người tiêu dùng và tôn trọng cả đối thủ cạnh tranh. Trở lại với sự kiện trên, thêm một lần khẳng định cách làm ăn chụp giật không giúp doanh nghiệp thành công trong nền kinh tế hội nhập. Điều nguy hiểm hơn, nó tạo rào cản đối với cả cộng động doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Theo Chinhphu.
Tin bài mới đăng