Sự lắng đọng phù sa của con sông Hồng đã đem lại cho Vân Hà, xã vùng bãi của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) một diện mạo mới. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, hằng năm từ tháng 5 đến tháng 9, bà con phải nhọc nhằn chống chọi với dòng nước để mưu sinh.
Nhưng giờ đây, với hơn 20 dự án về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng, cuộc sống nơi đây khác xưa nhiều lắm. Hết thảy đã tạo nên một huyền thoại về Vân Hà đổi mới.
Vùng đất khó
Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là sau hơn 7 năm trở lại với "ốc đảo" Vân Hà là con đập tràn ngày nay, xưa chính là dòng nước để những con thuyền ra "ốc đảo" Vân Hà. Hướng về "ốc đảo" từ chân đập, là những mái nhà cao tầng, được bao quanh bởi những vườn cây bưởi Diễn, cam Canh, tán lá xanh tỏa rộng đang đơm hoa, kết trái hứa hẹn một mùa bội thu. Điều gì khiến Vân Hà đổi thay nhanh đến thế?
"ốc đảo" Vân Hà xuất hiện từ năm 1945, lúc đó chỉ là bãi nổi, mang tên bãi Đồn gồm 2 làng bãi Cháy và bãi Đồn thuộc xã Vân Cốc. Thời điểm này có hơn 500 hộ sinh sống. Sau hòa bình lập lại năm 1954, xã Vân Cốc tách thành 3 xã Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hà, lúc này Vân Hà nằm ở tả sông, giáp tỉnh Phú Thọ. Qua thời gian, dòng chảy của sông Hồng đã đưa Vân Hà trở về lại làng bãi Cháy nhưng thuộc hữu sông Hồng. Từ đó Vân Hà được ví như "ốc đảo" của miền quê Phúc Thọ, một vùng đất thuộc xứ Đoài. Với ánh mắt nhìn xa xăm về phía cánh đồng ngô xanh biếc như để nhớ lại những ngày xưa ấy, cụ Đặng Thị Hến là người cao tuổi nhất ở "ốc đảo" Vân Hà tâm sự, con người ở "ốc đảo" Vân Hà này đã xác định sống chung với lũ. Do vậy, nước lên thì thuyền nổi để bươn chải, chống chọi với thiên nhiên lo cho cuộc sống thường ngày. Đời sống quá vất vả, nhiều hộ dân phải đi xây dựng kinh tế mới ở nơi khác.
Diện mạo mới
Tôi ngỡ ngàng khi nghe những lời tâm sự của các thế hệ người dân nơi đây bởi đất này mưu sinh đã khó nói gì đến chuyện làm giàu. Bác Vũ Thị Hồng năm nay đã ngoài 70 tuổi, là người đã gắn bó với vùng đất này từ những ngày "ốc đảo" Vân Hà mới được hình thành tâm sự: Trước kia cuộc sống của chúng tôi ở Vân Hà gắn bó với những con thuyền, nhất là vào mùa nước lên vì chúng tôi thường xuyên phải đi lại bằng thuyền. Người dân Vân Hà đã xác định sống chung với lũ, nên nguồn lương thực, dầu đèn, củi lửa, thậm chí cả thức ăn cho gia súc… đều được tính toán để dự trữ cho đủ với nhu cầu sinh hoạt của từng gia đình. Ngừng giây lát, bác xúc động nói: Ơn Đảng, Chính phủ, chúng tôi mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Từ năm 1993, hệ thống điện được kéo ra "ốc đảo", đã đem lại nguồn sáng cho trẻ thơ học bài, cho cuộc sống gia đình thêm quây quần đầm ấm.
Thời kỳ đầu "ốc đảo" Vân Hà mới được hình thành, người dân đều sắm thuyền để thuận tiện cho việc đi lại. Sau này con đập tràn được xây dựng, đồng thời cũng là tuyến đường giao thông duy nhất nối Vân Hà ra tới đường đê để về trung tâm huyện và tới các địa phương khác. Đập được xây, con đường đến với ước mơ làm giàu của người dân nơi đây đã được rút ngắn, đồng thời ý chí làm giàu càng được hun đúc. Từ năm 2005 khi thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cam Canh, bưởi Diễn được bà con hưởng ứng và nhân rộng. Nhà nhà đua nhau cải tạo vườn tạp, khoanh vùng đất để trồng giống cây mới. Hiện nay, diện tích trồng cam Canh, bưởi Diễn của vùng "ốc đảo" này đã lên tới 30ha. Anh Nguyễn Đình Thanh (thôn 4) cho biết, ngoài vườn nhà, gia đình anh còn nhận khoán 2ha đất của tập thể để trồng cam Canh, bưởi Diễn. Hằng năm cứ vào thời điểm tháng tám (âm lịch), thương lái đã về tận vườn đặt mua phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù cây mới cho thu hoạch được 2 năm, nhưng giá trị thu đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Bác Trần Văn Sửu cho biết, gia đình trồng hơn 100 cây bưởi Diễn, năm 2008 thu nhập lên tới hơn 100 triệu đồng. Giá trị thu của loại cây này cao góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.
Trao đổi với chúng tôi về chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đặng Văn Tèo cho biết, cam Canh và bưởi Diễn là 2 loại cây rất thích hợp với vùng đất này. Nhờ cây cam Canh, bưởi Diễn và sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nên "ốc đảo" Vân Hà đã có một diện mạo mới. Trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia. Các trường học cũng đang được đầu tư xây dựng theo tiêu chí quốc gia để được công nhận trường chuẩn. Đường giao thông trong thôn, xóm đã được bê tông hóa hơn 40%. Trạm điện 180 KVA đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Hằng năm có 80% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa và trong 2 năm trở lại đây địa phương đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Theo HNM.