Nửa đêm, chị Nguyễn Thị Dung, 31 tuổi, vẫn không thể chợp mắt. Kể từ ngày chồng mất vì Covid-19, các con đứa F0, đứa F1, giấc ngủ trở thành thứ xa xỉ với chị.

Người mẹ ba con nằm tại phòng điều trị bệnh nhân dương tính, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, mở điện thoại, lướt thật chậm qua những bức ảnh chồng và các con. Chị dừng lại xem hết đoạn clip con gái út bôi thuốc muỗi vào tay bố. Đó là khoảnh khắc cuối cùng gia đình chị được bên nhau.

Năm tháng trước, anh Nguyễn Hữu Hùng, chồng chị, bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Chị Dung gửi lại ba đứa con cho ông bà ngoại ở ở Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh, để lên bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chăm chồng.

Bị biến chứng viêm màng não mủ, anh Hùng được chuyển sang bệnh viện Nhiệt đới cơ sở 2. Hôm 2/5, sau 10 ngày ở viện nhưng sức khỏe anh Hùng cứ yếu dần, chị Dung đưa chồng về nhà vì muốn anh được ở bên con những ngày cuối. Ba ngày sau, xuất hiện ca dương tính với nCoV ở bệnh viện Nhiệt đới, vợ chồng chị Dung trở thành F1, được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

"Tôi dặn các con sang bên ngoại ở nhờ. Xe đưa bố mẹ đi đằng trước, ba đứa nhỏ đạp xe đi sau", chị Dung kể. Quen cảnh xa bố mẹ, chẳng đứa con nào của chị khóc lóc.

Ngay hôm sau, hai vợ chồng Dung cùng có kết quả xét nghiệm dương tính. Nhận tin, chị bần thần, chẳng nói thành lời, vừa sợ bệnh vừa lo các con và dân làng vì mình mà liên lụy. Qua điện thoại chị cố giữ giọng bình tĩnh, dặn các con đến khu cách ly "phải ngoan, hết dịch bố mẹ về". Lũ trẻ vâng, dạ như trước nay mẹ vẫn dặn mỗi lần đi chăm bố ở viện.

1 Nguoi Vo Mat Chong Xa Con Vi Covid 19

Hai con gái chị Dung đang cách ly tập trung tại trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hai con gái chị Dung, 9 tuổi và 5 tuổi đang cách ly tập trung tại trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mỗi ngày, vợ chồng em gái đều gọi điện để Dung trò chuyện với các con. "Dì bảo để giặt quần áo cho mà chúng nó đòi tự làm", em gái Dung kể. Suốt năm tháng trời mẹ đi viện chăm bố, ba đứa nhỏ đã quen sống và tự chăm nhau nên giờ rất ít khi cần sự hỗ trợ của chú dì. Anh Vũ Đăng Biên, 33 tuổi, em rể chị Dung vừa xin vào cách ly cùng vợ, con gái 3 tuổi và hai cháu để tiện chăm sóc. "Tụi nó việc gì cũng tự làm lấy, đến bữa tự lấy cơm ngồi ăn. Chúng tôi ở gần chỉ để các cháu có chỗ dựa tinh thần", anh nói.

Ở viện, vợ chồng chị Dung được ở chung một phòng. Nhưng được chục ngày, tình trạng của anh Hùng chuyển biến xấu phải chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.

Biết anh hôn mê, Dung vẫn dặn "cố khỏe về nhà với mẹ con em". Nằm một mình trên giường bệnh, chị thấp thỏm không yên. Điện thoại đặt sát đầu giường, dù để chuông thi thoảng Dung vẫn mở lên kiểm tra. Chị định gọi cho bác sĩ hỏi thăm chồng, nhưng sợ làm phiền. Ở viện nhiều ngày, chị hiểu cường độ làm việc của nhân viên y tế căng thẳng thế nào.

Một ngày sau, hôm 16/5, chị Dung nhận được cuộc gọi của bác sĩ. Chị òa lên khóc sau vài giây nghe máy.

Dung từng ước sẽ có sức khỏe để chăm chồng dẫu ăn cơm bệnh viện cả đời, để các con có bố. Nhưng giờ, chỉ ở tầng trên, tầng dưới mà anh mất chẳng người thân nào bên cạnh. "Trước lúc anh đi ba ngày tôi đã tắm rửa, lau vết thương. Chỉ tiếc không được nhìn anh lần cuối", chị nói. Hành động duy nhất chị có thể làm là thay ảnh đại diện tài khoản mạng xã hội thành bức ảnh màu đen để để tang chồng. Tro cốt anh Hùng vẫn ở lại Đài hóa thân hoàn vũ Hà Nội. Vì dịch bệnh, chẳng ai đưa anh về.

Tin nhắn, cuộc gọi động viên dội về liên tục. Càng được an ủi chị càng buồn nên chẳng dám mở ra đọc. Những lúc thiếp đi vì mệt, chị hay mơ thấy chồng. Hơn 10 ngày nay, chị chỉ dám chợp mắt ban ngày.

Chị Dung không nói với các con chuyện chúng mồ côi, lảng đi khi các bé hỏi "bố đâu?". Nhưng tiếng nấc của chị qua điện thoại không giấu được bé Duy, cậu con trai lớn 12 tuổi. Hôm đó, đến bữa thằng bé chỉ đụng đũa rồi òa lên khóc. Sáng hôm sau, kết quả xét nghiệm cho thấy Duy cũng đã mắc Covid-19. Cậu bé phải xa dì và các em, một mình đến bệnh viện dã chiến ở Gia Bình điều trị.

"Chồng chết, giờ con lại dương tính, tôi suy sụp hoàn toàn. Bốn ngày liền tôi không ăn, không ngủ", chị Dung kể. Mấy ngày đầu, Duy nhớ các em, buồn vì bố mất nhưng được điều trị trong phòng có bác ruột, có một bạn nhỏ tầm tuổi, cậu bé cũng nguôi ngoai. Người lạ hỏi có nhớ em không, cậu nói "Có, nhưng điện thoại con có tiền đâu mà gọi cho em".

2 Nguoi Vo Mat Chong Xa Con Vi Covid 19

Chị Dung nhận tiền ủng hộ của các mạnh thường quân khi chồng mất, mình và con trai đầu 12 tuổi nhiễm nCoV. Ảnh nhân vật cung cấp.

Hoàn cảnh của gia đình chị Dung được y tá, bác sĩ và nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Tính đến 24/5, hàng nghìn người, cả trong và ngoài nước đã ủng hộ mẹ con chị Dung số tiền hơn 600 triệu đồng và nhu yếu phẩm...

Chủ tịch xã Mão Điền Nguyễn Nhân Hoàn cũng cho biết: "Rất nhiều người đã gửi quà nhờ địa phương trao giúp đến gia đình chị Dung. Nhưng dịch bệnh, cả nhà đều đóng cửa đi cách ly. Chúng tôi đành để đấy, đợi hết dịch thì mới trao được".

Với số tiền được ủng hộ, chị Dung sẽ trích hơn 100 triệu đồng trả nợ tiền vay mượn điều trị cho chồng, còn lại lo cho các con ăn học. Chị mong các mạnh thường quân dừng ủng hộ mình, dùng tiền để chia sẻ với các hoàn cảnh khác khó khăn trong đại dịch.

"Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm, giúp đỡ mẹ con tôi. Tôi khỏe hơn nhiều rồi. Hết dịch, tôi sẽ đi làm để nuôi các con ăn học", chị nói.

Phạm Nga

Nguồn: vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC