Những ngành học ít cạnh tranhNhững năm qua, có nhiều ngành học số lượng thí sinh dự thi ít, điểm chuẩn không cao dù nhu cầu xã hội rất lớn, nếu chọn lựa phù hợp, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Dẫn đầu các ngành học ít cạnh tranh trong những năm vừa qua là các ngành ngoại ngữ, nhân học, thư viện – thông tin, giáo dục và các ngành ngành kỹ thuật nông – lâm nghiệp.

Ngoại ngữ vắng thí sinh

Năm 2009, ngành sư phạm (SP) tiếng Anh tại Trường ĐH Cần Thơ chỉ tuyển được 93 thí sinh. Theo ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, dù tuyển được gần đủ chỉ tiêu nhưng điểm chuẩn vào ngành này thấp hơn các năm trước tới 3-4 điểm.

Ngành SP tiếng Pháp càng vắng bóng thí sinh khi năm 2009 chỉ tuyển được 17 thí sinh, dù điểm chuẩn 3 năm liên tiếp gần đây chỉ bằng điểm sàn (13 điểm). Ông Nguyễn Vĩnh An cho rằng nguồn tuyển các ngành ngoại ngữ khó bởi ngoài thí sinh khối D1, hiện thí sinh các khối D2, D3... ở các trường phổ thông rất hiếm.

Tại Trường ĐH SP TPHCM, các ngành SP ngoại ngữ, cử nhân ngoại ngữ cũng có số hồ sơ đăng ký dự thi thưa thớt. Năm 2009, ngành SP Nga - Anh chỉ có 17 hồ sơ đăng ký (chỉ tiêu 30), cử nhân tiếng Nga có 12 hồ sơ đăng ký (chỉ tiêu 70); SP tiếng Pháp: 43 (30), cử nhân tiếng Pháp: 66 (70), cử nhân tiếng Trung: 82 (120).

Ông Tạ Quang Lâm, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH SP TPHCM, cho biết những ngành học này điểm chuẩn chỉ ở mức 19 (ngoại ngữ nhân hệ số 2) và trường phải liên tiếp trông chờ vào nguyện vọng (NV) 2 nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu mong muốn.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, các ngành ngoại ngữ thường khan hiếm thí sinh hơn các ngành học khác, đặc biệt các ngành song ngữ Nga - Anh, ngữ văn Pháp, ngữ văn Trung Quốc, ngữ văn Đức. Liên tiếp các năm gần đây, mỗi ngành trường phải tuyển NV2 từ 20-30 thí sinh thì mới đủ chỉ tiêu. Tại nhiều trường dân lập, các ngành ngoại ngữ lại càng ít thí sinh đăng ký dự tuyển.

Nhiều ngành xã hội – nhân văn rộng cửa

Ông Phạm Tấn Hạ, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết các ngành thư viện – thông tin, giáo dục (quản lý giáo dục và tâm lý giáo dục), nhân học... nhu cầu xã hội hiện rất cao và hầu hết sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm nhưng những năm qua trường phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu.

Điểm chuẩn của các ngành này cũng rất thấp, 3 năm gần đây chỉ cao hơn điểm sàn 1 điểm. Tại Trường ĐH Sài Gòn, ngành thư viện – thông tin và ngành quản lý giáo dục cũng phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu, trong đó, ngành quản lý giáo dục phải tuyển cả 3 khối A, C, D1. Điểm chuẩn ngành học này cũng rất thấp chỉ ở mức 13 (khối A), 14 (B), 13 (D1).

Nguyên nhân của việc thí sinh chưa mặn mà với các ngành học trên, theo ông Phạm Tấn Hạ là do tên ngành còn khó hiểu, mơ hồ. Ví dụ ngành thông tin – thư viện, thí sinh thường nghĩ là tốt nghiệp xong chỉ có thể làm ở thư viện, song thực tế xã hội hiện rất cần các công việc liên quan đến xử lý tài liệu.

Hay ngành nhân học là một ngành rất hay, hiện các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đang cần nhân lực có chuyên môn về nhân học kinh tế, nhân học văn hóa, nhân học xã hội để làm công tác điều tra các dự án...

“Thí sinh cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ về tính chất nghề nghiệp trước khi đặt bút đăng ký dự thi”- ông Phạm Tấn Hạ khuyên.

Dù nhu cầu xã hội về nhân lực làm công tác xã hội, văn hóa quần chúng, cán bộ văn hóa địa phương hiện rất cao nhưng các ngành học liên quan như văn hóa học, Việt Nam học, xã hội học những năm qua cũng được ít thí sinh quan tâm.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, những ngành học trên điểm chuẩn chỉ hơn điểm sàn 1-1,5 điểm.

Tại Trường ĐH Văn hóa TPHCM, các ngành văn hóa học mức điểm trúng tuyển 3 năm liên tiếp gần đây đều ở mức 13 (khối D1), 14 (khối C), trường phải liên tục tuyển NV2.

Ngành xã hội học, công tác xã hội tại Trường ĐH Mở TPHCM cũng thuộc những ngành có điểm chuẩn thấp nhất (14 điểm là trúng tuyển).

Cơ khí dễ đậu

Ông Nguyễn Vĩnh An cho biết nước ta đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhưng nhiều ngành về công nghệ, kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp vẫn chưa thu hút thí sinh.

Một số ngành như cơ khí chế tạo máy, cơ khí chế biến, cơ khí giao thông... số lượng thí sinh đăng ký dự thi không nhiều, điểm chuẩn chỉ 13 (khối A) nhưng trường phải tuyển NV2.

Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, các ngành cơ khí chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm, cơ khí nông lâm cũng ít thí sinh đăng ký dự thi. Điểm chuẩn các ngành này chỉ bằng điểm sàn.
Trong khi đó, cơ hội nghề nghiệp của kỹ sư cơ khí lĩnh vực nông lâm rất cao. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực cơ khí nói chung và các ngành cơ khí phục vụ phát triển nông thôn, các xí nghiệp cơ khí chế tạo máy, các xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, giao thông công chính, xí nghiệp chế biến nông lâm sản, các cơ quan xuất nhập khẩu, các xí nghiệp đông lạnh hoặc tự mình làm chủ một cơ sở sản xuất tổng hợp... 

Tuy nhiên, do tên ngành liên quan đến cơ khí nên thí sinh thường nghĩ công việc nặng nhọc, cực khổ và đã bỏ qua những ngành học này. 

Theo NLD.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC