Nỗ lực ngăn học sinh bỏ họcBằng các biện pháp hỗ trợ kịp thời như miễn giảm học phí, tặng quần áo, sách vở cho những học sinh khó khăn, nhiều trường học ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã ngăn được nguy cơ hàng vạn học sinh bỏ học.

Những năm trước, tình trạng học sinh bỏ học sau Tết  diễn ra rất phổ biến tại nhiều địa phương ở ĐBSCL. Đơn cử như Bạc Liêu, cứ sau Tết là các trường như THPT Ninh Thạnh Lợi, THPT Ninh Quới (huyện Hồng Dân); THPT Định Thành (huyện Đông Hải)… lại trở thành những “điểm nóng” của tình trạng học sinh bỏ học. Tuy nhiên, tình hình năm nay đã thay đổi rất nhiều.

Hỗ trợ kịp thời

Theo báo cáo tổng hợp từ phòng GD- ĐT các huyện, thị của Bạc Liêu, đến cuối tuần đầu tháng 3, số học sinh không đến lớp chỉ vào khoảng vài ba chục em. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với hàng trăm em bỏ học sau Tết của những năm trước. Đặc biệt, nhiều trường vùng sâu, vùng xa, thuộc diện khó khăn như THCS Long Điền Đông C (huyện Đông Hải), THPT Lê Văn Đẩu (huyện Vĩnh Lợi)…, đến nay vẫn  duy trì 100% sĩ số.
 
Để “giữ” học sinh đến lớp, thời gian qua, các trường đều thực hiện nhiều biện pháp như: miễn giảm các khoản phí, hỗ trợ kịp thời về mặt vật chất (tặng quần áo, sách vở…),  phân công giúp đỡ những  học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đối với học sinh yếu kém, nhiều trường đã tổ chức dạy phụ đạo để các em không chán học và tiếp tục đến lớp. 

Tại Đồng Tháp - một trong những địa phương “có tiếng” về tình trạng học sinh bỏ học nhiều năm qua, đặc biệt là học sinh bậc tiểu học và THCS, từ sau Tết đến nay, ở nhiều trường số học sinh bỏ học chưa tới 1%. Ông Trần Văn Hưng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết một trong những nguyên nhân làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc tiểu học và THCS là nhờ  từ đầu năm, ngành GD-ĐT đã phối hợp với các địa phương thực hiện tốt cuộc vận động đưa học sinh đến trường. 

Tương tự, nhiều trường ở Tiền Giang cũng đang duy trì được 100% sĩ số học sinh sau Tết.  Ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, cho biết từ đầu năm học 2009-2010, Sở đã chỉ đạo các trường thống kê số  học sinh nghèo, khó khăn trong việc đi lại (đò, phà) để lên kế hoạch hỗ trợ.

“Ở một số trường THPT vùng sâu, vùng xa, học sinh được sắp xếp ở lại trường để có điều kiện thuận tiện học tập. Nhờ vậy, gần 1.000 học sinh có nguy cơ bỏ học đã tiếp tục gắn bó với trường lớp”, ông Trí nói.

Rẽ sang học nghề, tìm việc làm

Tuy nhiên, ở một vài địa phương, tỷ lệ học sinh bậc THPT bỏ học lại có xu hướng tăng. Ở Đồng Tháp,  cùng thời gian này năm 2009 chỉ có 1,62%  học sinh bỏ học thì nay đã tăng lên 3,5% với gần 1.500 học sinh bậc THPT bỏ học, chiếm 49% số học sinh  bỏ học toàn tỉnh. Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân khiến còn nhiều học sinh bậc THPT bỏ học là vì học lực yếu kém, không theo kịp chương trình học ở học kỳ I, chán nản. Vì thế, sau Tết nhiều em không muốn trở lại trường.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó hiệu trưởng THPT Lai Vung 2, trường có số lượng HS bỏ học nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp (102 học sinh), cho biết thêm: “Năm nay, trường áp dụng phương pháp kiểm tra học sinh theo hình thức tập trung từng khối với đề thi thống nhất. Vì thế, nhiều em học yếu không theo kịp nên đã bỏ học giữa chừng”. 

Một nguyên nhân khác là gần đây, có nhiều trường dạy  nghề được thành lập ở các tỉnh, thành ĐBSCL nên nhiều học sinh sau khi học hết lớp 9, hoặc mới bước vào lớp 10 cảm thấy không thể học lên cao hơn đã rẽ sang học nghề.

Theo ông Lê Ngọc Bửu, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre, nhiều  học sinh  do gia cảnh quá khó khăn đành phải ngưng việc học, đi học nghề, tìm việc làm  để đỡ gánh nặng gia đình. Ngoài ra, sau Tết, nhiều em nghỉ học vì có bạn bè, người thân đang sống làm việc ở TP HCM, Bình Dương rủ đi làm thuê kiếm sống. “Với những trường hợp này, muốn vận động, thuyết phục trở lại trường cũng không được vì các em đâu còn ở nhà mà vận động”, ông Bửu cho hay.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC