Khi màu hồng của những cánh hoa mai anh đào của phố núi lặng lẽ rụng dần, các con đường khúc khuỷu của Đà Lạt lại được nhuộm một màu lam tím của hoa phượng.
Những ngày này, người đi qua đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hồng Phong, Phù Đổng - Thiên Vương và ven hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt thích thú ngắm những cây phượng tím của thành phố sương mù. Những chùm hoa màu lam tím khoe mình rực rỡ dưới tiết trời se lạnh, trong cái nắng vàng đầu xuân đem lại cho phố núi cao nguyên một vẻ đẹp thơ mộng và yên bình.
Cây phượng tím già nhất Đà Lạt được trồng vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nhiều người lớn tuổi ở thành phố này cho biết, người có công đưa loài hoa phượng tím từ nước ngoài về trồng tại Đà Lạt là kỹ sư Lương Văn Sáu, Hội viên Hội Hoa hồng nước Pháp. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp trường Canh nông của Pháp trở về Việt Nam, ông đã mang theo một số loài hoa thân mộc đặc biệt quý hiếm, trong đó có bốn cây phượng tím gốc châu Mỹ.
Người già còn nhớ rõ, bốn cây phượng tím đầu tiên của Việt Nam được trồng tại Đà Lạt, trong đó một cây trồng tại bờ hồ Xuân Hương, cạnh nhà Thủy Tạ, một cây trên đường Nguyễn Thị Minh Khai trên lối vào chợ, hai cây còn lại trồng tại công viên thì một đã chết sau đó.
Từ khi biết đây là cây quý cho hoa đẹp, nhiều nghệ nhân đã tìm cách nhân giống, ươm trồng phượng tím làm phong phú thêm thế giới hoa ở Đà Lạt. Cho đến nay thành phố Đà Lạt đã có hàng trăm cây phượng tím được trồng trên nhiều tuyến đường. Ngày nay, phượng tím đã trở thành một loài hoa mang dấu ấn đặc trưng của Đà Lạt.
Theo VNE.