Người dân trên tuyến Cát Linh - Hà Đông vào ngày khai trương hôm 6/11/2021
Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội vào ngày 14/11 được truyền thông Nhà nước dẫn trần tình về nguyên nhân lỗ lã như vừa nêu.
Theo UBND TP Hà Nội, từ khi Công ty TNHH MTV Đường Sắt Đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) được thành lập vào tháng 11/2014 đến ngày 5/11/2021 khi chính thức đưa tuyến đường sắt số 2A Cát Linh- Hà Đông vào vận hành thương mại, Ha Noi Metro phải thực hiện các khoản chi trả lương, các khoản theo lương cho người lao động để giữ chân họ; trả chi phí thuê trụ sở, chi phí hành chính, mua sắm trang thiết bị, chi phí đào tạo.
Trong hai tháng cuối năm, số lượng khách thấp hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến; trong khi chi phí vận hành, nhân công… không thể giảm.
Trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, đường sắt Cát Linh Hà Đông cho biết có doanh thu đạt hơn năm tỷ đồng nhưng do chi phí vận hành và quản lý nên vẫn bị lỗ ròng là 64 tỷ đồng. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng. Nếu tính luỹ kế, doanh nghiệp lỗ tổng cộng gần 160 tỷ đồng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), trong đó vốn vay gần 13.000 tỷ đồng và vốn đối ứng từ phía Việt Nam hơn 4.000 tỷ đồng.
Đây là dự án gây nhiều tranh cãi và được gọi với cái tên là “biểu tượng trễ hẹn” khi có hơn 10 lần thay đổi lịch vận hành thương mại trong vòng hơn 10 năm triển khai thi công.
Nguồn: RFA