Cha mẹ dạy trẻ về thực phẩm lành mạnh, cùng tham gia chuẩn bị bữa cho gia đình để con có kiến thức về dinh dưỡng, hình thành thói quen ăn uống khoa học.

1 7 Cach Day Tre Thoi Quen An Uong Lanh Manh

Thói quen ăn uống thiếu khoa học có thể theo trẻ đến khi trưởng thành, gây ra các vấn đề sức khỏe như béo phì, cholesterol cao, tăng huyết áp, tiền tiểu đường. Dưới đây là một số gợi ý giúp cha mẹ dạy con về chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Dùng bữa cùng gia đình

Trẻ ăn uống đủ chất có thể đạt tầm vóc tối ưu, phát triển trí não. Gia đình nên giữ thói quen ăn uống vào cùng các thời điểm trong ngày. Khi ăn đủ bữa, trẻ ít có khả năng ăn vặt, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, học được phép lịch sự trên bàn ăn.

Ăn uống cùng gia đình là cơ hội để người lớn dạy trẻ về khẩu phần ăn, kết nối các thành viên. Ví dụ người lớn có thể dạy trẻ về rau, trái cây trong đĩa, giới hạn thời gian dùng bữa không quá 30 phút. Điều này giúp trẻ tập trung, không hình thói quen ngậm thức ăn.

Ăn sáng

Bữa sáng quan trọng với sức khỏe tổng thể. Ăn sáng lành mạnh cung cấp cho trẻ nguồn năng lượng cần thiết để hoạt động cho ngày mới. Phụ huynh không nhất thiết phải chuẩn bị bữa sáng cầu kỳ, chỉ cần chọn thực phẩm cung cấp cho trẻ đủ 4 dưỡng chất gồm chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Trẻ có thể ăn trứng bác, bánh mì nướng lúa mì nguyên cám với bơ đậu phộng tự nhiên hoặc sữa chua Hy Lạp nguyên chất rắc ngũ cốc ít đường, giàu chất xơ, trái cây.

Giải quyết tình trạng kén ăn sớm

Nhiều trẻ em kén ăn. Phụ huynh cần bình tĩnh quan sát, kiên nhẫn tìm cách để ngăn chặn tình trạng này. Người lớn cung cấp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn, không phải lúc nào cũng nấu theo yêu cầu của con.

Đối với trẻ mẫu giáo, cha mẹ nên thiết lập quy tắc ba miếng (khuyến khích thử ít nhất ba miếng thức ăn để làm quen với thực phẩm). Điều này giúp trẻ làm quen với thực phẩm, cha mẹ cũng hiểu thêm về khẩu vị của con.

Trẻ tham gia lập kế hoạch, chuẩn bị bữa ăn

Trẻ thích được nói lên sở thích, tham gia vào các hoạt động của gia đình. Phụ huynh khuyến khích bé cùng nấu nướng, làm công việc phù hợp với lứa tuổi như nhặt rau, rửa hoa quả. Khi đưa trẻ đến siêu thị, hãy để chúng đưa ra những lựa chọn về thực phẩm. Phụ huynh có thể hỏi "con muốn mua táo đỏ hay táo xanh?". Thỉnh thoảng hãy để trẻ quyết định loại rau dùng cho bữa tối để thích ăn rau hơn.

Người lớn có thể biến chuyến đi mua sắm thực phẩm của gia đình thành những bài học giáo dục về dinh dưỡng. Hãy hướng dẫn cho con các loại thực phẩm khác nhau và bắt đầu dạy chúng cách đọc nhãn dinh dưỡng. Bạn có thể nói về hàm lượng carbohydrate, đường và chất béo bằng ngôn ngữ phù hợp với bé.

Hoạt động thể chất

Chế độ ăn uống và tập thể dục có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến khích trẻ em từ 6 tuổi trở lên nên hoạt động thể chất khoảng 60 phút mỗi ngày.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bắt trẻ phải tập cardio. Cha mẹ chỉ cần đảm bảo rằng con vận động, đơn giản có thể chạy quanh bên ngoài với bạn bè, đi xe đạp với gia đình.

Lê Nguyễn (Theo Cleveland Clinic)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC