Tin Sotheby's bán tác phẩm giả của danh hoạ Bùi Xuân Phái với giá ngất ngưởng, hoạ sĩ Bùi Thanh Phương đã mời luật sư người Mỹ để đi kiện.

Dù Bùi Thanh Phương đã lên tiếng khởi kiện ngay khi hãng Sotheby's rao bán đấu giá năm bức tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái, trong đó có đến 4 bức là giả trên website của mình, ngày 6/10 vừa qua, hãng này vẫn làm ngơ và “hốt bạc” khi bán được ba bức.

Bùi Thanh Phương kiện Sotheby's đến cùng
Bức chèo giả được bán với giá 20.921 USD hôm 6/10

Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương cho biết, hai hoạ phẩm chèo giả được trả 20.921 USD và 19.311 USD, bức tranh thật Con mèo được bán 6.000 USD, hai bức còn lại không bán được “có thể do quá lộ liễu”.

Anh Thanh Phương cho biết, tuy bán được với giá “bèo” so với hai tranh giả song hoạ phẩm vẽ trên giấy mang tên Con mèo vẫn mang lại niềm tự hào. “Ông cụ có thói quen vẽ tặng bạn bè những bức tranh nhỏ nhân dịp năm mới. Làm bạn với cụ, hầu như ai cũng có món quà này. 6.000 USD cho bức tranh nhỏ là giá cao”, hoạ sĩ nói.

Con trai Bùi Xuân Phái tiết lộ, đầu năm 2008, Sotheby's bán 13 bức tranh của danh hoạ, trong đó chỉ có hai hoạ phẩm: Chợ ven đường ở Đà Nẵng, được bán với giá 24.072 USD ngày 8/4 vừa qua và Con mèo là tranh thật. “Trừ đi giá trị thật, tôi nhẩm tính Sotheby's đã “hốt” 300.000 USD từ những tác phẩm “dởm”. Con số này khiến tôi suýt ngất xỉu bởi trong thực tế, các danh hoạ không có nhiều tác phẩm, vì thế tranh thật luôn bị tranh giả áp đảo. Điều này chứng tỏ, họ không tôn trọng mỹ thuật Việt Nam, đồng thời làm tổn thương nghệ sĩ.

Bùi Thanh Phương kiện Sotheby's đến cùng
Tranh mèo thật bán 6.000 USD

Tuy nhiên, Bùi Thanh Phương ý thức rằng việc theo kiện đến cùng hãng đấu giá có tiếng như Sotheby's không hề đơn giản. Hiện anh mời một luật sư người Mỹ, rất có kinh nghiệm trong việc này cùng bàn bạc và tiến hành. “Đầu tháng 11, luật sư sang Việt Nam, xem xét kỹ sự việc, có thể khởi kiện được thì mới tiến hành”, hoạ sĩ tiết lộ. Tuy nhiên, dù luật sư có hợp tác hay không, Bùi Thanh Phương vẫn quyết theo kiện đến cùng.

Theo hoạ sĩ, không chỉ, Sotheby's một số hãng khác vẫn bán tranh giả của các hoạ sĩ Việt Nam diễn ra trong 10 năm qua. Người nước ngoài thường thiếu thông tin về mỹ thuật Việt Nam, không thuộc tranh, chỉ nghe tên hoạ sĩ là… mua liền, do đó dễ bị lừa. Giờ đây, nói đến tranh Việt, nhiều người thấy ái ngại. Thực ra, từ lâu việc sản xuất và tiêu thụ tranh giả đã thành đường dây ở nước ngoài.

“Lấy ví dụ, bản gốc bức Trước giờ biểu diễn đang treo tại Bảo tàng Mỹ thuật nhưng Sotheby's vẫn bán bản chép với giá trên 124.000 USD. Mình phải đưa ra những giải thích hợp lẽ, đề phòng họ cố cãi tranh của ta mới là “dỏm” và thách bán được giá như họ”, Bùi Thanh Phương lý giải.

Hoạ sĩ cũng tiết lộ, trong những ngày qua, anh nhận được bức thư với nội dung khiêu khích “cuộc chiến đấu” của mình: “Tôi không thể một mình chống lại mafia mà… tan xác, vì thế phải làm ùm vụ này lên cho dư luận biết”.

Hiện, anh thống kê toàn bộ tác phẩm từ năm 1987, thời điểm bắt đầu xuất hiện những bức tranh giả Phái ở các trường đấu giá quốc tế. “Mình phải có đầy đủ bằng chứng mới mong thắng kiện”, anh tâm sự.

Theo Hà Lan




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC