Hiện nay, trung bình khoảng hai tháng ở nước ta lại diễn ra một cuộc thi hoa hậu - người đẹp và đồng hành với nó là những chuyện hậu trường ’’cười ra nước mắt’’.
’’Hại nhau’’ bằng 1001 cách
Có thể nói rằng bất kỳ cuộc thi nào cũng không thể tránh được những sự tị hiềm nơi thí sinh. Ở các đấu trường nhan sắc, mức độ cạnh tranh ’’khốc liệt’’ không kém, vì chỉ cần thí sinh sơ sẩy một chút cũng đủ khiến giấc mộng đẹp đẽ tan theo mây khói.
Người đẹp T.L khi đang bôi dầu bóng lên cơ thể trước màn thi áo tắm ở phòng thay đồ dành cho các thí sinh bỗng có điện thoại và chạy ra ngoài nghe, lúc quay về ’’bảo bối’’ đã không cánh mà bay nên đành để thân hình chỗ bóng chỗ không ra thi. May nhờ gương mặt khả ái kéo lại nên cô vẫn lọt vào chung kết cuộc thi A dành cho các người đẹp có năng khiếu thể thao.
Chuyện "chơi" nhau bằng cách giấu đồ giữa các thí sinh diễn ra như cơm bữa ở nhiều cuộc thi sắc đẹp. Một nhà thiết kế khá nổi tiếng ở TP.HCM đã vài lần được mời tham gia tài trợ bikini cho cuộc thi B chia sẻ rằng, nhiều khi biết rõ thí sinh lén cầm kéo cắt tan nát bộ bikini của một người bạn cùng thi nhưng vì nghĩ bạn gái đó do còn trẻ nên cư xử bồng bột, vả lại anh luôn có sẵn đồ sơ cua cho các thí sinh nên đã ’’khuất mắt trông coi’’ bỏ qua chứ nếu làm to chuyện ’’vạch mặt’’ thì e rằng người đẹp đó sẽ rất... ê chề vì xấu hổ.
Giữa các thí sinh cạnh tranh là vậy, máu ăn thua ở các chuyên gia trang điểm đi theo phụ tá cũng ’’hăng’’ không kém. Trong giới vẫn lan truyền chuyện một chuyên gia trang điểm vì muốn ’’gà’’ của mình được chú ý và dễ ’’đánh gục’’ một thí sinh nặng ký khác nên trước đêm chung kết đã viết một lá thư nặc danh rồi nhờ người gửi vào phòng của vị trưởng ban giám khảo đồng thời kiêm luôn thành viên trong ban tổ chức cuộc thi C với nội dung ’’tố cáo’’ cô X - đối thủ nặng ký từng cặp với đại gia Y, từng bị đuổi học ở đại học Z.
"Mớm’’ kiến thức cho các người đẹp
Không biết có phải vì tình trạng các người đẹp ứng đáp ngô nghê vẫn còn khá phổ biến, nên ở một số cuộc thi nhan sắc tổ chức gần đây, ban tổ chức đã đưa ra một số luật lệ khá nghiêm như yêu cầu thí sinh không tự ý trả lời cánh báo chí khi chưa nhận được sự đồng ý.
Tuy nhiên, chuyện ’’bắt’’ một số người đẹp cầm giấy xem các ý trước khi trả lời phỏng vấn một đài truyền hình nọ ở cuộc thi D - với sự góp mặt của rất nhiều người đẹp đến từ các vùng dân tộc khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam thì quả là... hiếm thấy. Vậy nên, mới có chuyện một người đẹp (sau này giành giải thưởng cao ở chính cuộc thi D đó) ấp úng như ’’gà mắc tóc’’ và trả lời quanh co, cụt ý khi chưa ’’học thuộc bài’’ khiến cảnh quay phải thực hiện lại nhiều lần.
Người đẹp luôn là điểm thu hút với công chúng. |
Trong cuộc thi sắc đẹp E được coi là uy tín nhất Việt Nam thì có chuyện ’’hài hước’’ hơn đó là sự "tập dượt thi ứng xử" đối với các thí sinh lọt vào vòng chung kết toàn quốc năm 2008. Trước đó, BTC đã có cuộc "luyện tập" cho các thí sinh bằng 5 câu hỏi cho trước, nhắm tới những người đẹp có khả năng lọt vào Top 5. Thậm chí, có người đẹp gần đêm chung kết được báo phải lên "kiểm tra" lại phần ứng xử. Người đẹp vội nhắn tin cho chuyên gia trang điểm của mình nhờ ’’tư vấn’’ 5 câu hỏi ban giám khảo đã cho "tập", và như dự đoán cô bốc đúng một câu trong số đó và ’’vui’’ hơn nữa là chính 5 câu hỏi ấy lại được hỏi lại cho top 5 người đẹp trong đêm chung kết.
Khi giám khảo bị đối xử "tệ’’
Dù đã nhiều lần chấm các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam nhưng thạc sĩ Đ, một thành viên giám khảo, vẫn bị người của ban tổ chức đưa vào tình thế ’’khó’’.
Trước đó, bà không nằm trong diện giám khảo đặt câu hỏi ứng xử đối với các thí sinh nhưng sau đó lại được yêu cầu cầm giấy đọc câu hỏi do BTC tự chuẩn bị vào giờ chót ở một cuộc thi nhan sắc diễn ra cách đây vài tuần.
Ngoài lề cuộc thi bà chia sẻ rằng, bất kỳ ai rơi hoàn cảnh tương tự cũng đều phải ’’cố’’ nhưng trớ trêu một nỗi xem qua truyền hình nhiều người nhầm tưởng đó là câu hỏi của bà, và bởi vậy có báo sau đó viết bài ’’phán’’ rằng đó là câu hỏi ’’ngớ ngẩn’’, khiến vị thạc sĩ rất buồn lòng.
Hay như ở cuộc thi sắc đẹp dành cho sinh viên theo học các chuyên ngành ngoại ngữ của một trường đại học ở Hà Nội hồi tháng 5/2008 thì một số giám khảo đã bị ban tổ chức ’’lãng quên’’ một cách khó hiểu.
Một nhà báo nằm trong thành phần giám khảo cuộc thi đó đến giờ vẫn còn ’’ấm ức’’ vì cách cư xử của người đại diện ban tổ chức. Anh kể rằng hôm chấm chung kết anh và hai thành viên trong ban giám khảo khác phải nhịn đói từ 6h chiều đến gần 12h đêm mới làm xong nhiệm vụ nhưng buồn hơn là sau đó không nhận được lời cảm ơn hay một đồng thù lao nào cả.
Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các thí sinh, của những chuyên gia trang điểm hay sự thiếu khôn khéo của các nhà tổ chức đối với thí sinh dự thi, các thành viên được mời làm giám khảo... là một số trong nhiều nguyên nhân để xảy ra hàng loạt scandal không mấy tốt đẹp xuất hiện nhan nhản sau mỗi cuộc thi. Chính những điều ấy ở một khía cạnh nhất định đã góp phần làm cho hình ảnh hoa hậu, người đẹp và giá trị các cuộc thi sắc đẹp trong nước càng ngày càng mất đi trong mắt công chúng.
Theo Sơn Hà
VietNamNet.