Khán giả đằng nào cũng thiệt!Theo các đạo diễn tên tuổi, show diễn tại Việt Nam được tổ chức với nhiều mục đích khác nhau nhưng có thể tạm chia làm ba mục đích chính: nghệ thuật, kinh tế và thương hiệu.

Tùy từng loại show, mỗi mục đích đặt cao hơn hay thấp hơn, hoặc cả ba. Dù được tổ chức với bất kỳ mục đích nào, show diễn nào cũng cần có khán giả. Nhưng có thể khẳng định 100% rằng khán giả luôn luôn chịu thiệt khi xem show.

Vừa xem show vừa... nhai sạn

Tối 5/9, đêm diễn 20 năm hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong và nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam tổ chức sắp bắt đầu. Còn 30 phút nữa tới giờ biểu diễn, toàn bộ 9 trong số top 10 người đẹp của cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2008 đã có mặt ở phòng thay đồ rồi mà tân hoa hậu Trần Thị Thùy Dung vẫn chưa xuất hiện.

Khán giả đằng nào cũng thiệt!
Đêm diễn 20 năm hoa hậu Việt Nam với sự lộn xộn về trang phục trong màn chào hỏi của các người đẹp (ảnh: Dân Trí)
Khán giả đằng nào cũng thiệt!
Hoa hậu Trần Thị Thùy Dung trong đêm diễn 

Lẽ ra cô phải có mặt trước giờ diễn một giờ đồng hồ. Rồi một chuyện rắc rối nữa lại xảy ra bất ngờ. Theo kịch bản, toàn bộ các cô gái phải mặc đầm màu vàng để cầm đèn lồng ra đứng trước sân khấu, thế nhưng đến sát giờ mở màn, đạo diễn mới phát hiện ra rằng không hiểu lý do gì, các người đẹp sẽ không mặc đầm vàng vì có 10 người mà có 9 bộ đầm.

Các người đẹp phải tự lo lấy trang phục cho mình. Cuối cùng thì tân hoa hậu Việt Nam cũng xuất hiện với gương mặt được trang điểm nhẹ nhàng không phù hợp với ánh đèn sân khấu.

Chương trình bắt đầu muộn hơn dự kiến 15 phút, khán giả phải chờ đợi để được xem màn chào hỏi của các hoa hậu với sự lộn xộn về hình ảnh: người mặc váy ngắn xòe dài ngang gối như thiếu nữ đi chơi ngày chủ nhật, người mặc đầm trắng dài như váy cưới cô dâu, người trang điểm như đi dạo ban ngày, người cài hoa lên tóc như một cô gái thôn quê...

Duyên dáng Việt Nam diễn ra hồi tháng 1.2007 là một chương trình trình diễn thuộc loại quy mô hàng đầu VN. Nhìn về tổng thể, chương trình gồm nhiều tiết mục lộng lẫy, đàn múa minh họa và các "trò" bay, nhảy lên xuống sân khấu đều rất đẹp, song khán giả có cảm giác như phải xem một đoàn quân hùng hậu dàn hàng ngang mà không có tiến lùi, phục kích gây bất ngờ.

 

Khán giả đằng nào cũng thiệt!
Khán giả đằng nào cũng thiệt!
Trong chương trình Duyên dáng Việt Nam diễn ra hồi tháng 1.2007, khán giả có cảm giác như phải xem một đoàn quân hùng hậu dàn hàng ngang mà không có tiến lùi, phục kích gây bất ngờ

Bên cạnh đó, một số màn trình diễn còn có dấu hiệu bắt chước nước ngoài. Trên các blog và diễn đàn, nhiều bài viết của khán giả nhận xét về chương trình này tỏ ra băn khoăn về một màn múa với mặt nạ và áo choàng dài rộng gây liên tưởng đến cảnh mở đầu trong phim truyện Dạ Yến của Trung Quốc sản xuất vừa mới được chiếu rạp trước đó không lâu.

Nhiều khán giả cho rằng thông tin về nghệ thuật thế giới đã được cập nhật hàng ngày qua internet, các nghệ sỹ nếu định "bắt chước" dù chỉ chút ít cũng sẽ dễ bị phát hiện và để lại ấn tượng xấu.

Tại Trung tâm Hội nghị quốc gia vào tháng 4.2007, Đẹp fashion show - Bí ẩn những linh hồn được tổ chức với ý tưởng độc đáo. Màn múa lên đồng hòa quyện với âm nhạc trong show diễn đã để lại ấn tượng mạnh mẽ.

Tuy vậy, việc tổ chức chương trình trên một sân khấu quá cỡ đã trở thành... cái bẫy cho nhà tổ chức. Diễn viên và người mẫu chìm nghỉm trong những bậc thang cao ngất, còn âm thanh bị phản lại oang oang bởi những tấm đá lát nền.

Khán đài quá xa sân khấu (vì sân khấu lớn quá) nên khán giả chỉ nhìn thấy cách bố trí tuyến người biểu diễn mà không nhìn thấy chi tiết.

Khán giả đằng nào cũng thiệt!

La Rouge, một khán giả phê bình Đẹp show trên blog của mình: "Sân khấu được design lại trên lối vào đại sảnh của trung tâm hội nghị. Theo ngụ ý của mình thì chọn sân khấu như vậy tất nhiên đạt được một số ý tưởng nhưng bị dàn trải quá. Chưa kể khán giả vẫn có thể nhìn thấy hậu trường chuẩn bị của show đâm ra khán giả bớt phiêu.

Khán giả được phát mỗi người một cái mặt nạ, nhưng không thấy ai đeo mấy. Ngồi ở hàng VIP hẳn hoi mà để xem toàn bộ show mình cứ phải rướn mắt, cứ thấy vương vướng bởi mấy cái cột ánh sáng.

Nhạc Quốc Trung rất hay phát triển từ Đường xa vạn dặm, mỗi tội nghe kỹ âm thanh thỉnh thoảng không được trong lắm, loa đôi lúc rè. Linh Nga xinh và múa đẹp nhưng có lẽ do sân khấu quá dàn trải nên hơi chìm".

Và không chỉ có show lớn mới bị "sạn", show nhỏ cũng có. Liveshow Tình ca hồng của Quốc Bảo (tháng 7.2008) bị đánh giá là thất bại. Anh đã để xảy ra tình huống trục trặc như: một ca sĩ trẻ chưa nhiều kinh nghiệm sân khấu được mời tham gia chương trình lại bị thay đổi nhạc đệm ngay vài tiếng trước khi biểu diến, khiến cô thiếu tự tin và sai nhịp liên tục.

Khán giả đằng nào cũng thiệt!
Nhạc sĩ Quốc Bảo (trái) trong liveshow Tình ca hồng 

Và còn rất nhiều, rất nhiều show diễn nữa, hầu như tất cả đều bị trục trặc trong khâu này hoặc khâu kia. Tất cả những đạo diễn được phỏng vấn đều thừa nhận điều này. Và như vậy, ai là người chịu thiệt? Dĩ nhiên là khán giả.

Khán giả bị coi là thứ yếu

Ở Việt Nam, loại show truyền hình kết hợp xem trực tiếp xuất hiện nhan hản trên các kênh truyền hình. Vấn đề ở đây không phải là khán giả cảm thấy ra sao, mà quan trọng là việc tổ chức chương trình lệ thuộc vào nhà tài trợ: "Truyền hình mạnh do công chúng lớn, công chúng lớn thì nhà tài trợ mới bỏ tiền", đạo diễn Huỳnh Phúc Điền cho biết việc chuyển cảnh cho show truyền hình khác với show tại chỗ, điều kiện ánh sáng cho truyền hình cũng khác với điều kiện ánh sáng tại chỗ cho khán giả xem.

Huỳnh Phúc Điền lấy ví dụ ở show Cuộc thi hoa hậu Hoàn Vũ thế giới. Đây là cuộc thi phục vụ cho truyền hình trực tiếp nên khán giả tại chỗ phải chờ đợi 15 phút chuyển cảnh để được xem màn tiếp theo. Và điều này thật không công bằng.

Ở một loại show diễn khác mang tính đặc thù như Vietnam Fashion Week được tổ chức định kỳ, nhà tổ chức chỉ tập trung vào yếu tố mà họ coi là quan trọng, đó là thúc đẩy sự phát triển của thời trang mà không chú trọng đến cách họ giới thiệu thời trang đến với khán giả qua show diễn.

Đã nhiều năm liền, khán giả luôn phải nghe một thứ nhạc nền trình diễn mà ở đó các ca khúc hoặc đoạn nhạc bị ngắt giữa chừng, bị cắt ghép với một loại nhạc hoàn toàn khác gây cảm giác khó chịu. Đường runway không tốt khiến người mẫu bị vấp ngã. Ánh sáng đỏ và vàng nhòe nhoẹt... thiếu thẩm mỹ.

Ngay cả cách lựa chọn ê-kíp kỹ thuật của nhà tổ chức cũng cho thấy khán giả không phải là thứ yếu tố được đặt lên hàng đầu. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết ở nước ngoài, khán giả được coi là thước đo cho hiệu quả làm việc của ê-kíp.

Chẳng hạn như ở khâu lắp đặt âm thanh, sau khi âm thanh tại sân khấu đã lắp đặt xong, một người có nhiệm vụ điều chỉnh âm thanh. Người này sẽ làm việc với từng bản nhạc. Kết quả tốt hay không được đo bằng chính khán giả.

Nếu khán giả nồng nhiệt, nhà tổ chức sẽ tiếp tục hợp tác với ê-kíp đó. Còn ở Việt Nam, nhà tổ chức làm việc với nhóm này hoặc nhóm kia và căn cứ trên sự cạnh tranh về giá cả, nhóm rẻ hơn sẽ được chọn. Vai trò của khán giả chỉ là thứ yếu.

Xét cho cùng, khán giả nào cũng thiệt.

Khán giả cảm thấy gì?

Chán vì đạo nhạc

Trần Thị Kim Cúc (phóng viên báo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần). Tôi không bao giờ xem Bài hát Việt, không xem hoàn toàn các show thời trang, không thích một số loại show series như Duyên Dáng Việt Nam.

Từ lâu rồi tôi không thích nhạc Việt mới nữa. Người Việt mình hay kêu ca nhạc ngoại lời Việt chứ tôi thấy nhiều khi nghe mấy bài đó còn đỡ hơn nhạc Việt mới bây giờ. Từ lúc Bài hát Việt có liên quan đến mấy vụ ăn cắp nhạc ngoại, không biết nói sao nữa...

Tôi nghĩ rằng cái tên Bài hát Việt hoàn toàn đã loại trừ những bài hát ăn cắp kiểu như vậy. Thế mà có anh chàng nhạc sĩ nào đó đã không biết rằng bài nhạc đạo của mình không nên tham gia vào đó. Mà ban giám khảo khi nghe bài đó lẽ ra nhất định không được trao giải chứ. Cho nên sau vụ lùm xùm này, tốt nhất là nên kết thúc cái Bài hát Việt đó đi.

Tôi nghĩ đã quá dư thừa những show âm nhạc, có những cái giông giống nhau nên bỏ đi để làm các chương trình có chất lượng đỉnh cao hơn.

"Tả pí lù", thiếu điểm nhấn

Quách Lê Anh Khang (21 tuổi, sinh viên Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM)

Tôi coi rất nhiều chương trình giải trí, Duyên Dáng Việt Nam, Vietnam Idol, Bài Hát Việt... tôi đều coi cả. Thứ nhất, tôi coi vì tò mò, muốn coi ca sĩ ăn mặc thế nào, tóc tai ra sao. Thứ hai là muốn coi đạo diễn chương trình có ý tưởng gì lạ đời để thỏa mãn nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của khán giả không.

Và thường là tôi cảm thấy không thỏa mãn cho lắm. Tôi cảm thấy các ý tưởng hầu như y chang nhau, như Bài hát Việt chẳng hạn. Sân khấu của Bài hát Việt quen mắt đến chán, ca sĩ thì cứ chừng ấy người làm đi làm lại.

Một ví dụ khác như chương trình của Bi Rain, tôi coi cũng không thích. Dù chương trình này hoành tráng nhưng tôi vẫn cảm thấy nhạt và không có điểm nhấn. Có lẽ do "gu" nhạc của mình không phù hợp với mấy show nhảy nhót nhiều quá. Với lại dạo này ca sĩ đa số lip-sync nhiều quá nên thà ngồi nhà nghe CD của họ còn hay hơn là đến sân khấu, ngồi rõ xa mà nghe cũng y vậy.

Còn Duyên Dáng Việt Nam (DDVN), DDVN được báo Thanh Niên quảng bá rất tốt nhưng giá vé nhiều khi "trên trời" quá. Tôi cũng không muốn bỏ ra một số tiền quá lớn để coi một chương trình có phần hơi "tả pí lù".

Khi viết lên báo thì thấy hay lắm mà khi tôi coi qua tivi thì thấy lúc thực hiện lại thành một mớ hỗn độn, nhiều ca sĩ quá, nhiều tiết mục quá. Mình cảm thấy thiếu, nhưng thiếu gì thì mình không biết vì mình không phải đạo diễn.

Xem hát nhép như ăn phải "quả lừa"

Phạm Phan Anh Thư, 20 tuổi, sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng

Show gần đây tôi xem mà cảm thấy thích thú là liveshow Lam xưa của NSƯT Thanh Lam. Tôi cũng có xem chương trình Gala của Sao mai điểm hẹn 2008, đánh giá là một chương trình có đầu tư với trang phục, vũ đạo đẹp, các tiết mục có đầu tư dàn dựng.

Tuy nhiên, các chương trình của nhà đài (mà Gala SMĐH 2008 không phải là ngoại lệ như với tiết mục của Phương Thủy, Thu Phượng: chỉ nhìn môi cũng thấy đớp trượt lời, không thuộc lời... ) lại mắc một khuyết điểm "chết người" đối với khán giả, đó là quá nhiều tiết mục "hát nhép".

Dẫu biết đó là để đảm bảo sự an toàn của các chương trình truyền hình trực tiếp, nhưng thiết nghĩ, bỏ tiền ra xem một show ca nhạc mà bị nghe hát nhép thì đúng là ăn phải một "quả lừa".




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC