Hàng loạt bộ phim chiếu Tết đang hứa hẹn ra rạp, thu hút khán giả bằng những chiêu riêng của mình. Trong đó, những cảnh kỹ xảo đẹp mắt cũng là điều nhiều khán giả quan tâm. Chúng tôi có hỏi chuyện những người làm phim điện ảnh phía Nam, những người sản xuất những bộ phim có các cảnh quay kỹ xảo kỳ công sẽ ra mắt khán giả trong dịp Tết Kỷ Sửu này.

Kỹ xảo điện ảnh: Liệu cơm gắp mắm

Charlie Nguyễn, đạo diễn phim Dòng máu anh hùng, nhà sản xuất phim Lửa Phật, những bộ phim có yêu cầu cao về hiệu quả đặc biệt.

- Anh gặp khó khăn gì trong vai trò nhà sản xuất của Lửa Phật? Điều gì khiến anh yên tâm nhất, lo lắng nhất?

- Có 5 người trong nhóm sản xuất nên việc gì mình không biết thì có producer khác lo. Cả nhóm cùng hỗ trợ nhau nên có khó khăn gì cũng nhẹ nhàng hơn. Tất cả hướng tới mục tiêu chung là chất lượng bộ phim.

Hiện nay kịch bản là điều tôi yên tâm nhất vì nó đã được viết rất kỹ lưỡng. Điều tôi lo lắng nhất là vấn đề kỹ xảo vì tạo hình nhân vật và tình tiết câu chuyện có rất nhiều điểm khác biệt.

- Anh dự định hợp tác với đơn vị nào trong lĩnh vực kỹ xảo?

- Chúng tôi chưa có quyết định cuối cùng. Ở Mỹ có nhiều hãng đều thực hiện tốt, mình sẽ lựa chọn dựa trên điều kiện cụ thể.

- Anh ước lượng số cảnh quay có kỹ xảo trong Lửa Phật?

Kỹ xảo điện ảnh: Liệu cơm gắp mắm
Đạo diễn Charlie Nguyễn

- Khoảng 15%

- Trước đây làm Dòng máu anh hùng 1 anh hợp tác với hãng nào? Tổng chi phí làm kỹ xảo là bao nhiêu? Anh có hài lòng với các cảnh kỹ xảo trong đó không?

- Kỹ xảo DMAH do Greenpost (một công ty kỹ xảo có trụ sở bên Đức) phụ trách. Họ làm cũng tạm được, chưa phải là xuất sắc nhưng chấp nhận được với số tiền mình bỏ ra.

- Quan điểm của anh về vai trò kỹ xảo trong phim?

- Kỹ xảo là thứ tôi không hề thích. Mình chỉ nghĩ đến kỹ xảo khi không thực hiện được những cảnh quay đó trên trường quay. Tôi luôn tìm mọi cách để giới hạn đến mức thấp nhất việc sử dụng kỹ xảo. Kỹ xảo dễ làm cho người ta mất đi sự tin tưởng nếu không thực hiện khéo nên cái gì quay được thì nên quay thật. Tuy nhiên thể loại phim nào cũng cần kỹ xảo cả.

- Chi phí làm kỹ xảo của Dòng máu anh hùng và chi phí dự định của Lửa Phật dành cho kỹ xảo?

- Xin lỗi. Điều này thì tôi không thể tiết lộ được.

Jimmy Nghiêm Phạm, Chủ tịch hội đồng quản trị hãng phim Chánh Phương, nhà sản xuất của những bộ phim kinh phí lớn ở Việt Nam là Dòng máu anh hùng, Lửa Phật.

- Quan điểm của anh về vai trò kỹ xảo trong phim?

- Kỹ xảo là mắc tiền! Kỹ xảo là một lĩnh vực khác, riêng biệt của điện ảnh. Nhiều phim có những kỹ xảo mà mình không thể thấy.

- Những thể loại phim nào không thể thiếu kỹ xảo?

- Những phim không thật, có nhiều yếu tố kỳ ảo, tưởng tượng thì nhất thiết cần. Còn những phim bình thường thì yếu tố kỹ xảo cần cân nhắc hơn nữa, phải bỏ vào đúng chỗ. Những phim hành động, khoa học giả tưởng cũng cần nhiều đến những hiệu quả đặc biệt đó.

- Chi phí cho phép cho kỹ xảo có thể chiếm bao nhiêu %?

- Cái đó phụ thuộc kịch bản cụ thể. Mình cần xem là nhu cầu kịch bản cần bao nhiêu cảnh kỹ xảo, chi phí bao nhiêu. Kinh phí ít thì mình đưa ra sẽ chỉ giới hạn ở 5%, làm thế nào thì làm cũng ở trong khoản tiền đó. Với những phim kinh phí lớn tầm vài triệu đô, kinh phí có thể lên tới gần trăm ngàn, một số tiền khá lớn.

Kỹ xảo điện ảnh: Liệu cơm gắp mắm
Nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm

- Anh có ý định hợp tác lâu dài với hãng chuyên làm kỹ xảo nào không?

- Cần căn cứ vào từng bộ phim cụ thể để liên hệ người thực hiện kỹ xảo. Nếu mình nói hợp tác mà 10 năm sau mới có phim cần đến kỹ xảo do công ty đó thực hiện thì cũng không hay.

Hơn nữa, những người làm hậu kỳ bên tôi đều có thể làm được kỹ xảo ở mức độ cơ bản nhất. Nên khi mình cần làm cái gì phức tạp, cần phải vẽ, dựng mô hình thì sẽ liên hệ với công ty chuyên làm kỹ xảo.

Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn của hai bộ phim ăn khách Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Nụ hôn Thần chết. Anh cũng vừa quay xong bộ phim Tết Kỷ Sửu Giải cứu Thần chết (Nụ hôn thần chết II)

- Tính đến nay ba phim của anh đều sử dụng nhiều cảnh kỹ xảo, đây có phải là một cách để thu hút khán giả?

- Có thể coi như vậy. Tôi muốn phim tôi hấp dẫn khán giả, kỹ xảo là một cách để phim hấp dẫn hơn. Hơn nữa Giải cứu thần chết cũng như Nụ hôn thần chết đều là những bộ phim có những yếu tố không thực, có khá nhiều những cảnh quay sử dụng kỹ xảo, tính ra tầm hơn 20 phút có sử dụng hiệu quả đặc biệt.

- Lần này anh hợp tác với đơn vị nào khi thực hiện kỹ xảo?

- Tôi vẫn làm ở chỗ HK film, cũng là một đơn vị hợp tác sản xuất bộ phim này. Thực hiện kỹ xảo có một ê-kíp rất ăn ý, người làm chính rất giỏi. Ngoài ra anh ấy còn kêu thêm một số công ty khác làm phụ. Toàn bộ các kỹ xảo trong phim đều làm tại Việt Nam.

Kỹ xảo điện ảnh: Liệu cơm gắp mắm
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

- Với bộ phim trước đây là Nụ hôn thần chết, anh có hài lòng với kỹ xảo đã được thực hiện không?

- Hài lòng chứ. Tại vì lần trước mình chưa có nhiều kinh nghiệm, với tất cả những cảnh quay được mình đặt ra những yêu cầu về hiệu quả đặc biệt như thế mình thấy những người làm kỹ xảo quá giỏi.

Trong một khoảng thời gian gấp rút mà thực hiện được như vậy thì tôi rất hài lòng. Lần này mình làm sẽ tốt hơn, mang lại hiệu quả thẩm mỹ hơn vì mình có kinh nghiệm hơn. Các cảnh kỹ xảo sẽ mang đến cho khán giả những màn đấu võ, phép thuật vui nhộn, lạ mắt, thú vị.

Lần này, ngay từ lúc quay ngoài hiện trường khi bố trí quay những cảnh có kỹ xảo mình cũng đã biết ngay cái gì làm được, cái gì không làm được. Trước đây cứ làm luôn, thử nhiều cách thì vất vả hơn nhiều.

- Anh có thể tiết lộ kinh phí làm kỹ xảo?

- Kinh phí thì tôi không rõ vì bên hãng phim sẽ tính toán tất cả những chi phí đó. Nhưng về kinh phí tổng thể Nụ hôn Thần chết làm mất 5 tỷ, Giải cứu Thần chết lần này mất 6 tỉ. So với tốc độ trượt giá chi phí không tăng. Nhưng phim này quay hoàn toàn tại thành phố Hồ Chí Minh, không ra ngoại tỉnh.

- Quan điểm của anh về kỹ xảo trong phim?

- Kỹ xảo cũng như gia vị khi nấu ăn. Khi bạn nấu các món bình thường không cần đến gia vị, như vậy cũng có những bộ phim không cần nhiều kỹ xảo, cho vào có thể còn vô duyên. Nhiều phim kỹ xảo phô trương, nhiều phim có làm kỹ xảo nhưng phải giấu xuống, có kỹ xảo mà không thấy kỹ xảo.

Như Hồn Trương Ba, da hàng thịt có nhưng không biết kỹ xảo nằm ở đâu. Nụ hôn Thần chết với đề tài như vậy thì cần kỹ xảo rõ ràng hơn. Tôi nghĩ cần biết kỹ xảo để làm gì, hoàn cảnh cho mình như thế nào mình cố gắng làm hiệu quả nhất trong điều kiện cho phép. Người làm nghề chuyên nghiệp cần có khả năng thích nghi cao, đừng mơ mộng quá.

Mỹ Trang




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC