Phim châu Á rẽ lối vươn vai, điện ảnh Việt vẫn đứng ngoài cuộcPhim làm lại Bangkok ngerous thất bại dù có ngôi sao Nicolas Cage

Sự lặp lại những mô típ nhàm chán, sa đà phô diễn những "trò chơi" về kỹ thuật, lấn át yếu tố nhân văn... của phim ảnh Mỹ thời gian gần đây, là cơ hội để điện ảnh châu Á trong đó có điện ảnh Việt Nam, vươn lên khẳng định thế mạnh đặc trưng của mình.


Hollywood từng làm lại nhiều phim châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong...) nhưng không có mấy phim thành công, trong khi đó, mới đây, chỉ với phim châu Á đầu tiên làm lại phim Hollywood, đã cho thấy sự khác biệt.

Hollywood thất bại vì không "hiểu" chất Á Đông

Các phim do Mỹ làm lại phim châu Á gần đây như Bangkok dangerous (từ phim cùng tên của Hong Kong), The departed (từ Vô gian đạo - Hong Kong), The ring (từ Ringu - Nhật Bản), The lake house (từ Il mare - Hàn Quốc) v.v... không phải phim nào cũng thành công về nội dung lẫn doanh thu.

The departed là một điển hình của phim làm lại, đoạt bốn giải Oscar 2007, trong đó ngoài hai giải quan trọng cho phim và đạo diễn xuất sắc nhất, còn có giải Oscar cho kịch bản chuyển thể hay nhất, khẳng định việc làm lại Vô gian đạo của Hong Kong là... xuất sắc. Song The departed của các ngôi sao Mỹ Leonardo DiCaprio, Matt Damon là bản sao rối rắm, nặng nề so với sự hấp dẫn, hồi hộp ở Vô gian đạo gốc của các ngôi sao Hong Kong Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa.

Phim kinh dị The ring do Mỹ làm lại năm 2002 tuy khá thành công về doanh thu nhưng không giữ được yếu tố hù dọa khán giả đặc trưng của phim kinh dị châu Á bằng nguyên bản Ringu của Nhật.  Dù có bộ đôi thượng thặng Keanu Reeves - Sandra Bullock nhưng độ rung cảm của phim The lake house tỏ ra kém hơn so với Il mare của Hàn Quốc tài tình trong "truyền thống" lấy nước mắt khán giả. Và những tác phẩm mới nhất trong năm 2008 người Mỹ làm lại từ phim kinh dị Nhật (One missed call), Thái Lan (Shutter), Hàn Quốc (Mirrors) cũng thất bại...

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có một điểm quan trọng: những yếu tố riêng biệt của văn hóa phương Đông dẫn đến những hành xử, đối thoại của các nhân vật và đường dây câu chuyện, tạo nên nét đặc trưng trong phim châu Á, thì các nhà làm phim Mỹ không tài nào "làm lại" được. Hollywood có thể "chế tạo" một đạo cụ y hệt một món đồ dùng nào đó của người châu Á, nhưng cái hồn của vật đó thì họ không thổi vào được.

Ở phim châu Á, tính nhân văn, sự tinh tế... đặc trưng của người phương Đông là phần rất quan trọng làm nên chất lượng của bộ phim. Sự "tiêu hóa" nội dung phim châu Á thành một câu chuyện Mỹ chỉ có thể hiệu quả mức độ ở những thứ không liên quan đến các yếu tố kể trên. Nhưng khi đã triệt tiêu các thành tố đó hoặc thay thế bằng kiểu cách Mỹ, một số trường hợp còn được bù đắp thêm bằng kỹ xảo chẳng hạn, thì nhiều phim đã không thành công.

Chuyến "mở hàng" vỗ vai người Mỹ

Phim châu Á rẽ lối vươn vai, điện ảnh Việt vẫn đứng ngoài cuộc
Connected - phim Hong Kong đầu tiên làm lại phim Mỹ

Mở màn cho xu hướng ngược lại, châu Á làm lại siêu phẩm Mỹ, phim Connected (khởi chiếu tại Hong Kong vào 25/9, bản tại Việt Nam có tên Xin đừng gác máy) có thể làm Hollywood phải chú ý. Trước tiên, Connected đã hoàn toàn "tiêu hóa" được phim gốc Cellular do hãng New Line Cinema sản xuất vào năm 2004. Kế đến, sự đổi chất từ phong cách Mỹ sang bản sắc Á Đông trong Connected tỏ ra "ngọt" hơn công việc tương tự mà điện ảnh Mỹ đã nhiều lần làm theo chiều ngược lại.

Ngoài những thay đổi có vẻ mang tính hình thức, cơ học như đứa con trai của nhân vật nữ chính trong Cellular được đổi bằng bé gái trong Connected, người chồng thay bằng cậu em trai v.v..., thì quan trọng hơn là sự thay đổi của cả câu chuyện trong một bối cảnh xã hội đặc thù, với suy nghĩ và hành động của các nhân vật gắn bó mật thiết, phù hợp với bối cảnh đó. Nó không khiên cưỡng "người Hong Kong hành động kiểu Mỹ". 

Kịch bản mất một năm với nhiều lần sửa đổi của Connected "san phẳng" những chi tiết khá khiên cưỡng trong Cellular. Chẳng hạn, việc nhân vật nam vô tình nhận điện thoại cầu cứu từ một phụ nữ bị bắt cóc, lại biết số điện thoại của tên bắt cóc với lý giải điện thoại của nhân vật nam này nhớ 50 cuộc gọi đến.

Trong khi đó, tình huống này trong Connected được dẫn dắt rất hợp lý. Những chi tiết nhấn mạnh tình cảm cha con của người đàn ông vô tình nhận cú điện thoại kêu cứu trong Connected, gây xúc động và đẩy tình huống phim thêm kịch tính hơn chuyện yêu đương của nhân vật nam tương tự trong Cellular.

Tóm lại, Connected hấp dẫn, đậm chất hành động - tình cảm Hong Kong (kinh phí chỉ 5,8 triệu USD), dù từ đầu phim, những ai đã xem Cellular (kinh phí 25 triệu USD) đều có thể nhận ra ngay Connected là phim "cọp".

Chưa thấy Việt Nam trên con đường tầm vóc của điện ảnh châu Á

Chỉ với bộ phim đầu tiên Hong Kong làm lại phim Hollywood kể trên, chưa thể khẳng định người châu Á giỏi hơn người Mỹ trong chuyện làm lại phim. Đối với điện ảnh Mỹ, điều đó có thể không mấy quan trọng, bởi phim làm lại chỉ là một phần nhỏ, "hương hoa" cộng thêm trong cỗ máy sản xuất khổng lồ và lợi nhuận triệu đô của Hollywood.

Song đối với điện ảnh châu Á (với sự đi đầu của Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc...) đây là một trong những biểu hiện của sự vươn mình lên tầm cao và chiều sâu, mà Hollywood là một kiểu chuẩn, một đối tác (phim Connected có sự tham gia của liên danh Warner Bros. với Trung Quốc), một mục tiêu, một đối thủ "ưu tiên".

Sức mạnh về tiền bạc, phương tiện kỹ thuật - kỹ xảo, mức độ phổ quát của một thương hiệu lớn làm Hollywood tự tin trên mọi "mặt trận", trong đó có "cảm hứng" làm lại phim của những nền điện ảnh nhỏ hơn, để vừa bành trướng rộng hơn nữa, vừa thu thêm lợi nhuận.

Nhưng sự lặp lại những mô típ nhàm chán, sa đà phô diễn những "trò chơi" về kỹ thuật, lấn át yếu tố nhân văn... trong nhiều phim thời gian gần đây, lại làm Hollywood "hở sườn". Điều này dễ dàng được các nhà làm phim châu Á nhận ra, việc còn lại là chờ cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn nữa để họ thể hiện thế mạnh đặc trưng của mình.

Đạt được tầm cỡ như Hollywood có thể còn xa dù nền điện ảnh ấy đôi lúc hơi xuống sức. Nhưng một lối đi khác để đạt tầm vóc riêng là việc mà điện ảnh châu Á đang dần làm được với những tác phẩm đậm chất Á Đông mang tầm quốc tế của điện ảnh Iran, Trung Quốc, Hong Kong... Chỉ tiếc một điều, trong hành trình chung sức ấy, nhiều nền điện ảnh nhỏ và yếu, trong đó có điện ảnh Việt Nam, vẫn đứng ngoài cuộc.

Theo Võ Tiến


VNNet.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC