Có thể nói hệ thống cấp ngành, quân sư, kiểm duyệt, cố vấn trong điện ảnh thì có thừa, nhưng người chịu trách nhiệm chính về bộ phim lại thiếu, chính xác là không có.

Kiềng có đủ chân?

Một nhà làm phim Việt Nam ví von: sản xuất phim ở Việt Nam không theo mô hình tam giác mà đa giác, đôi khi lại chỉ… nhất giác, lại không có góc – cạnh nào làm trụ chính, vì thế đôi khi đổ nhào.

Một bộ phim tính từ khi có kịch bản đến khi hoàn thiện qua các khâu kiểm duyệt sau: Hội đồng duyệt kịch bản của hãng phim, Hội đồng duyệt kịch bản quốc gia, Hội đồng duyệt phim của hãng, Hội đồng duyệt phim quốc gia, Cục Điện ảnh,…

Trong khi đó, cần một đối tượng chính để điều tiết toàn bộ các khâu đó lại không có. Hãng đổ cho Cục, Cục đẩy lên Bộ, sản xuất đổ cho phát hành, đạo diễn đá sang biên kịch…

Sản xuất phim VN:
Phác thảo bối cảnh cung điện trong phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Thái tổ Lý Công Uẩn

Ở thái cực khác, những đạo diễn ôm kịch bản tâm huyết của mình đi đủ mọi nơi xin kinh phí, gõ cửa mọi chỗ hay mời mọc từng người để tổ chức sản xuất, ra sản phẩm lại tự loay hoay tìm nơi phát hành, một mình vào luôn mấy vai.

Có thể nói hệ thống cấp ngành, quân sư, kiểm duyệt, cố vấn trong điện ảnh thì có thừa, nhưng người chịu trách nhiệm toàn bộ lại thiếu, chính xác là không có.

Hẳn ai cũng nhớ kế hoạch làm phim 1000 năm Thăng Long: các tác giả gửi kịch bản thi xong, các đạo diễn lại thi viết lại những kịch bản đó; lại góp ý thêm bớt từ các cố vấn, ban ngành, cấp bệ khác nhau, ý tưởng ban đầu của nhà biên kịch chỉ còn lại đôi dòng.

Nhà biên kịch uất ức khi thấy đứa con mình bị thay xương đổi cốt, đạo diễn kêu ca kể lể mất công sức đại tu kịch bản hoặc chọn giải pháp an toàn tự viết kịch bản hay chỉ làm việc với tác giả cùng ekip.

Mâu thuẫn biên kịch – đạo diễn lại thường bùng nổ khi phim đã được triển khai hoặc đã thành phẩm, khi ấy chỉ còn nước… cãi nhau, “cạch mặt nhau” hoặc đỉnh điểm là đưa nhau ra tòa như đoàn phim Hôn nhân không giá thú, Tôi là ngôi sao, Biệt động Sài Gòn hay loạn xạ như Thái tổ Lý Công Uẩn.

Sản xuất phim VN:
Nhà văn Bảo Ninh

Dự án gần đây nhất: Nỗi buồn chiến tranh, cũng làm thất vọng bao người quan tâm đến điện ảnh. Một lần nữa kịch bản "cơm không lành - canh không ngọt" giữa tác giả - đạo diễn lại xảy ra. Đáng tiếc ở chỗ dù ekip dự án: NSX - tác giả - đạo diễn là bạn thâm niên của nhau, nhưng bất đồng vẫn xảy ra khi bộ máy tưởng đã bắt vào guồng.

Người đứng ngoài kẻ trách tác giả Bảo Ninh đã đặt mình lên cao quá, không tôn trọng mục đích chung; người quay ra nghi ngờ động cơ - tư tưởng của các đối tác đến từ quốc gia khác.

Nguyên nhân thực sự là gì, chỉ có người trong cuộc là hiểu rõ nhất. Nhưng chỉ có một điều ai cũng thấy rõ: sự hợp tác bộ ba này ở Việt Nam vẫn là một thách thức lớn, là nguy cơ tiềm tàng cho các dự án, nếu tư duy và cách làm việc của những người làm điện ảnh Việt không sớm có sự thay đổi.

Hợp đồng và Nhà sản xuất, những khái niệm xa lạ

Sản xuất phim VN:
 
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc nói anh là người khá may mắn trong giới vì những kịch bản của anh (đã được làm phim) thường giữ được 60 – 70% nội dung cũ. “Trong quá trình làm phim, đạo diễn thay đổi sửa chữa kịch bản là bình thường, quan trọng là làm sao đừng sửa dở hơn và méo mó tác phẩm”.

Nói thì như vậy, nhưng ba chữ “quan trọng là” thể hiện rất rõ cách làm việc của những người làm điện ảnh Việt Nam: xuê xoa, đơn giản, kiểu vỗ vai “tin tưởng nhau là chính”. Khi xảy ra xung đột, hai bên mới bung xung cãi vã kiện tụng trên những cơ sở lý luận mơ hồ.

Nếu trong những hợp đồng làm phim nước ngoài, các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của nhau được thảo đến từng chi tiết, kiểu như tên các thành phần đứng trước – sau, cao – thấp thế nào trong generic, đến việc hợp tác hay sử dụng bản quyền sáng tạo, trách nhiệm cá nhân tập thể, bồi hoàn thêm bớt tiền nong trong các trường hợp thay đổi kế hoạch hoặc dự án gặp trục trặc đổ bể…

Hợp đồng làm phim của ta hiện nay lại quá đơn giản, hoặc thậm chí chẳng có hợp đồng, nên khi xảy ra trục trặc các nhà làm phim chẳng có cơ sở để giải quyết với nhau, ra đến cửa tòa cũng phải xử hòa giải, vì hầu như chẳng có điều khoản nào trong các hợp đồng ràng buộc trách nhiệm quyền lợi cụ thể của các bên.

Trong những sự bung xung đó, một vai trò quan trọng nhất: Nhà sản xuất lại hầu như chưa tồn tại đúng nghĩa trong nền công nghiệp điện ảnh bao cấp. Tiền được rót từ ngân sách xuống các hãng phim, đương nhiên giám đốc các hãng phim là nhà sản xuất. Những giám đốc này chủ yếu là đạo diễn – nghệ sĩ đi lên, hoàn toàn chưa có ai được đào tạo chuyên nghiệp về sản xuất phim.

Người này đồng thời làm NSX của tất cả các dự án phim của hãng mình, trong khi thời gian chính lại ngồi nhà giải quyết quản lý các công việc hành chính, sự vụ của cơ quan. Thay mặt NSX tại hiện trường sẽ là chủ nhiệm hoặc trợ lý đạo diễn… Người tổng công trình sư xâu chuỗi toàn bộ quy trình không có.

Điều này lại nảy sinh một thực tế đáng ngạc nhiên khác: kinh phí các bộ phim do Nhà nước đặt hàng đều được khoán “một cục” cho các đạo diễn, đạo diễn lại khoán “một cục” cho họa sĩ, kỹ thuật... Mỗi người tự là vua chúa trong lãnh địa của mình, toàn quyền chi phối tác phẩm, từ việc thêm bớt sáng tạo đến chi dùng đồng tiền. Chất lượng và số phận các phim này bị bỏ bẵng theo kiểu “cha chung không ai khóc" là điều dễ hiểu.

Cổ phần hóa có giải quyết được vấn đề?

Có thể, và chỉ có hướng đó! Thực ra mô hình bộ ba đã được tồn tại và hoạt động hiệu quả ở khu vực phim tư nhân. Phước Sang, Jimmy Nghiêm Phạm… được coi là những NSX phim uy tín nhất Việt Nam hiện nay. Các NSX này cũng chính là nhà đầu tư dự án của họ. Đâu đó có một vài phim được mấy công ty cùng chia sẻ.

Điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có những “bố già” sản xuất phim chuyên nghiệp đủ uy tín để có thể đứng lên thuyết phục các nhà đầu tư rót kinh phí vào dự án đang là con số 0 của mình.

Các hãng phim nhà nước lại chỉ cần làm đủ chỉ tiêu hàng năm, lo làm sao nuôi bộ máy nhân sự. Các Giám đốc – Nhà sản xuất tập trung nhiều hơn vào việc cắt giảm kinh phí làm phim để trả lương nhân viên. Chất lượng sản phẩm bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Cơ chế đó bắt buộc phải có sự dịch chuyển, cổ phần hóa cũng là một cách. Nhà nước dần dần khép lại khoản tài trợ đặt hàng. Cơ cấu Giám đốc Hãng = NSX sẽ không còn tồn tại, nhân vật này sẽ được chọn lựa và quyết định bởi Hội đồng quản trị công ty.

Nhu cầu về những nhà sản xuất phim chuyên nghiệp có tri thức và chiến lược trở nên cấp thiết. Tuy nhiên các trường điện ảnh Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo NSX chuyên nghiệp. Những người làm công tác sản xuất hiện nay chủ yếu từ học đạo diễn – diễn viên chuyển sang. Số hiếm hoi khác hoặc được học từ nước ngoài về, hoặc được các chuyên gia truyền đạt kinh nghiệm ở những khóa học ngắn hạn.

Sự thay đổi không thể có được ngay trong một sớm một chiều.

Sản xuất phim VN:

Nhà sản xuất Phước Sang: Ở phía tư nhân như chúng tôi, khi cảm thấy đề tài nào, xu hướng nào xã hội đang mong muốn, chúng tôi đặt hàng biên kịch, mời đạo diễn và điều tiết toàn quá trình làm phim. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được sự an toàn và hiệu qủa cao nhất cho sản phẩm.

Trong trường hợp NBK chào hàng một sản phẩm có sẵn, chúng tôi đồng ý mua, nhưng phải thảo hợp đồng thật chi tiết về những quyền chúng tôi được phép sử dụng, hoặc toàn quyền cắt sửa kịch bản theo ý chúng tôi. Khi có xảy ra mâu thuẫn kiện tụng, mọi quyền lợi trách nhiệm đều đã được ràng buộc rõ ràng.

Tất nhiên đấy mới chỉ trên nguyên tắc, còn thực tế khi sửa đổi gì chúng tôi đều tham khảo và tôn trọng tác giả. Tác phẩm là những đứa con của họ, nắn vuốt con người ta thế nào cũng phải hỏi bố mẹ chúng. Chỉ khi bắt buộc không thương lượng được chúng tôi mới sử dụng đến nguyên tắc mà thôi.

Quan trọng hơn cả vẫn là một nhà sản xuất giỏi và bản lĩnh, vừa mềm dẻo vừa kiên quyết, anh ta sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Biên kịch là bộ khung, đạo diễn là chiếc diều, nhưng NSX phải là người cầm dây diều, làm sao để đưa đạo diễn bay bổng, nhưng phải biết thu dây về đúng lúc nếu không hậu quả khôn lường.


Theo
Hoàng Hường
VietNamNet.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC