Khi Thượng đế tạo ra người đàn bà, trước tiên Thượng đế tạo ra những thiên chức quý giá mà người đàn ông không thể nào có được, đó là mang nặng đẻ đau, là mẹ vĩ đại.
Nhưng khi một người mẹ ngoài những thiên chức ấy ra, họ trót là một người nghệ sỹ, một người phụ nữ nổi tiếng, một người làm nghệ thuật và cống hiến hết mình cho niềm đam mê nghệ thuật thì vai trò làm vợ, làm mẹ nghệ sỹ ấy liệu có khác thường hơn những người đàn bà bình thường khác.
Nhà thơ Phan Huyền Thư: Mẹ con là duyên phận của nhau
Người ngoài nhìn vào, có thể sẽ thấy làm con của một nghệ sỹ nổi tiếng thật sung sướng. Nhưng vào cái thời của tôi, tôi may mắn, và cũng thiệt thòi khi làm con không chỉ một người mà là cả 2 người nghệ sỹ nổi tiếng. Bố mẹ tôi chia tay.
Nhà thơ Phan Huyền Thư |
Bố tôi mất sớm, khi đó chúng tôi còn rất nhỏ, tôi mới 9 tuổi, cái tuổi đã chập chững lớn để nhận biết trọn vẹn nỗi trống hoác sâu thẳm không gì bù đắp nổi mà bố tôi để lại cho chị em tôi, những đứa trẻ mồ côi cha.
Một năm sau mẹ có người đàn ông khác, thêm một năm nữa, mẹ sinh em trai út. Mẹ làm điều đó là bình thường vì mẹ có quyền sống tiếp cuộc đời của mình. Nhưng đứa trẻ 11 tuổi là tôi trở thành quản gia của mẹ, làm mẹ của các em tôi và chăm lo, quán xuyến cả một đại gia đình thời bao cấp, vì mẹ không có nhiều thời gian, bởi mẹ là một người nổi tiếng và phải đi hát rất nhiều.
Đó là những năm tháng quyết liệt của cả gia đình tôi. Mấy chị em tôi từ sâu trong nhận thức đã cho mẹ được quyền tối thượng làm tất cả những gì mẹ muốn, cả những điều quái gở nhất, điên rồ nhất nếu có của một người nghệ sỹ lớn, nghệ sỹ đích thực.
Mẹ được quyền đêm 30 Tết trở về nhà muộn và mấy chị em lụi cụi thổi xôi, luộc gà để làm cỗ cúng gia tiên... Mẹ chạy sô một ngày 12 tiếng, vất vả, cực nhọc đắm mình trong những giây phút thăng hoa trên sân khấu, trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ. Mẹ được quyền vắng nhà suốt ngày, suốt tuần, và được quyền mặc cho chị em tôi lớn lên mà không quá vướng bận.
Thay vì được mẹ cho đi chơi, quan tâm nhỏ nhặt, chúng tôi phục vụ mẹ phần nhiều. Mẹ đảm đang, tháo vát và lo cho cả một gia đình, và mẹ là một bà mẹ đặc biệt. Ngay cả việc đối xử với con cái, mẹ cũng là một nghệ sỹ lớn, luôn rèn giũa chúng tôi, đòi hỏi chúng tôi khắt khe, gắt gao chứ không đơn giản, tầm thường.
Đó là một may mắn chúng tôi nhận được từ mẹ mà phải sau này lớn lên tôi mới hiểu. Ngày bé tôi đã hận số phận mình, đã căm ghét và không chấp nhận bản thân mình tại sao lại làm con của những người nghệ sỹ nổi tiếng.
NSND Thanh Hoa (ảnh: Đẹp) |
Mẹ không hề biết suốt những năm tháng đi học, tôi tủi thân vì làm con của Thanh Hoa, bao lời nanh nọc thị phi mà vô tình tôi nghe được khi mọi người bàn tán về mẹ. Tôi đã đi như chạy, đã khóc một mình trên quãng đường đến lớp vì các bạn đuổi theo nhiếc móc, hành hạ tôi, giật cặp giật áo vì tôi là con của Thanh Hoa, chỉ bởi mẹ tôi là một người quá nổi tiếng, bất cứ chuyện gì của mẹ cũng có thể bị người đời thêu dệt, bóp méo sự thật.
Càng lớn, nhớ lại ngày đó, càng xót thương mẹ nhiều hơn. Có một điều nữa mà mẹ không hề biết, tôi đã tủi thân hết nhường nào khi suốt 12 năm đi học tôi không có lấy một lần được mẹ đi họp phụ huynh. Mà hồi đó, học sinh nào không có bố mẹ đi họp phụ huynh thì cô giáo dọa cho bằng sợ.
Các bạn bè của mẹ đến nhà chơi, giật mình thấy tôi lớn quá, hỏi tôi học lớp mấy, mẹ hồn nhiên trả lời tôi học lớp 9, trong khi đó tôi đã học đến lớp 11. Mẹ cũng không biết vì ít được trò chuyện, sẻ chia với mẹ mà tôi viết nhật ký, hết tập này qua tập khác, rồi tôi đến với văn chương.
Nếu không ẩn ức, không trầm cảm, có lẽ tôi đã không trở thành một người làm thơ... (cười). Tôi đã học nhạc viện, đã đi hát 3 năm, đã căm ghét một cái bóng của mẹ. Tôi quyết định thi vào Đại học Tổng hợp văn, quyết định đi một con đường khác. Tôi học đến năm thứ 3 mọi người mới vô tình phát hiện ra tôi là con của Thanh Hoa.
Cuối cùng số phận đã dẫn dắt tôi trở thành một người làm nghệ thuật. Mẹ Thanh Hoa của tôi là vậy, bà vô tư, hồn nhiên đến mức, đến một lúc hốt hoảng giật mình nhìn lại và thực sự choáng váng vì bà có một đàn con đã lớn. Những đứa trẻ lớn và từ biết cách bảo vệ mình, tự lập thân và làm cho mẹ kinh ngạc bởi lòng kiêu hãnh và sự trưởng thành.
Sống với mẹ, là sống với một áp lực là luôn luôn phải tự rèn luyện mình để hoàn thiện... Tôi đã tìm cách thoát khỏi cái bóng quá lớn của bố và mẹ. Sự nổi tiếng của bố và mẹ đã mang đến cho chúng tôi những áp lực và phiền toái.
Tôi nỗ lực trong cuộc sống đến bao nhiêu, trưởng thành và vươn lên đến cỡ nào thì ai đó vẫn nói rằng, tôi thành đạt là bởi tôi là con của nghệ sỹ Thanh Hoa. Tình yêu dài dằng dặc suốt 13 năm của vợ chồng chúng tôi mà không thể đi đến một đám cưới sớm hơn cũng là bởi tôi là con của nghệ sỹ Thanh Hoa.
Nhà thơ Phan Huyền Thư và mẹ (ảnh: VTC) |
Những định kiến của người đời về giới nghệ sỹ thật khó thay đổi, không thể trách cứ ai được, và tôi là kẻ chịu trận. Tôi đã có một tuổi thơ dữ dội, đến mức giờ đây cuộc sống, mọi thứ đối với tôi dường như đã nhẹ tênh. Tôi đã chịu đựng hơn tất cả những gì có thể của một đứa trẻ.
Giờ đây tôi đã làm mẹ, những ngày mưa, tôi đi làm xa không về được để đón con, tôi nhớ lại ngày bé tôi đã khóc trong mưa vì thèm mẹ đón, giờ đây, tôi lại đắng lòng vì thương mẹ. Tôi hiểu, không đón được con, lòng mẹ lúc ấy xót biết bao.
Khi tôi làm mẹ, tôi càng hiểu hơn những gì mẹ đã trải qua, mẹ đã chịu đựng, mẹ đã hy sinh. Bài học của mẹ luôn là một bài học lớn nhất để níu tôi lại với bổn phận, với gia đình, với các con. Tôi yêu chúng hơn hết thảy cuộc đời mình và tôi làm tất cả, đánh đổi tất cả để giữ cho các con một cuộc sống bình yên hạnh phúc.
Tôi nghĩ, mẹ con không phải là chuyện người này đẻ ra người kia mà đó là duyên phận của nhau. Giờ đây, cả mẹ và tôi đều là chỗ dựa tinh thần cho nhau vì cả hai chúng tôi đều làm nghệ thuật, đều thấu hiểu và chia sẻ với nhau.
Nhà báo Trương Uyên Ly: Dù 80 tuổi thì mẹ vẫn hồn nhiên như trẻ thơ
Mẹ là một người bạn lớn của chúng tôi. Tính cách mẹ thật đặc biệt, bởi vậy mẹ là một người mẹ vô cùng đặc biệt. Ở mẹ, nổi trội nhất là bản tính quyết liệt, mạnh mẽ đến cực đoan. Mẹ đã tin cái đúng thì niềm tin ấy không thể một ai phá bỏ được ngoại trừ mẹ.
Nhà báo Trương Uyên Ly |
Một khi mẹ đã tin điều gì đúng thì mẹ đi bằng tới, đi phăm phăm cho dù trước đó có một cái hố sâu khiến mẹ sa chân. Đã sa chân rồi thì mẹ cố leo lên bằng được. Mẹ không bao giờ biết khuất phục khó khăn. Chúng tôi học được ở mẹ tính quyết liệt và không bao giờ biết đầu hàng trước hoàn cảnh.
Với mẹ, mọi khó khăn đều là bài học quý giá trong cuộc đời. Mẹ đối diện với tất cả và tìm cách tháo gỡ với một thái độ lạc quan nhất. Mẹ sống theo một lý tưởng, phấn đấu để đạt đến lý tưởng, cho dù lý tưởng ấy cách thực tế một quãng khá xa. Mọi người xung quanh mẹ căn cứ trên những lợi ích nhiều hơn trong khi mẹ lại căn cứ trên lý tưởng nhiều hơn thực tế, vì vậy mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc đời.
Trong công việc cũng như trong cuộc sống, mẹ hay phát hiện ra những sai phạm, ấu trĩ và mẹ tham vọng sẽ thay đổi được những ấu trĩ đó, mẹ làm tất cả để thay đổi cho mọi thứ tốt hơn. Chính vì sự quyết liệt, sự không dung hoà được trong mọi hoàn cảnh mà mẹ luôn luôn phải là người ra đi.
Mẹ đã chuyển công việc đi rất nhiều nơi, và cuối cùng thì mẹ quyết định xin nghỉ hưu sớm để lập công ty và hướng đến một sự tự do tuyệt đối. Sau những sự ra đi ấy, thứ lớn nhất mà mẹ đánh đổi được đó là sự tự do cho bản thân mình.
Nhà văn Võ Thị Hảo |
Nhiều người nói mẹ dại dột, mẹ có thể dung hòa mọi thứ để có một thu nhập ổn định, một cuộc sống ổn định hơn, nhưng tôi nghĩ con đường tự do mà mẹ chọn nó đem đến cho mẹ những ý nghĩa nhất định.
Nhiều người nói với chúng tôi rằng, làm con của một người mẹ có nhiều thay đổi, dịch chuyển, và không ổn định thì sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Chúng tôi học cách chấp nhận tính cách của mẹ, cũng như những sự thay đổi và dịch chuyển ấy.
Thay đổi cũng là bài học tốt để mình trải nghiệm. Với một người mẹ có tính cách như vậy các con không mong có một con đường bằng phẳng. Chúng tôi chỉ thấy đáng sợ nhất là người ta không dám thay đổi, cứ đi mãi một con đường ấy, ngồi yên trong một điều kiện an toàn, lựa chọn mọi quan hệ bằng phẳng.
Thay vì một điều thú vị ở phía trước tương lai thì người ta chọn một điều nhàn nhạt để bảo vệ cho mình. Tôi nghĩ sống như thế người ta sẽ không gặt hái được nhiều thứ trong cuộc đời. Chị em tôi học được sự tự tin ở mẹ, rằng mình có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, không bao giờ là quá muộn nếu mình thích, và mình muốn, quan trọng là sự thay đổi dó có đem lại cho mình hạnh phúc không.
Bố và mẹ không thể đi bên nhau cho đến tận cuối cuộc đời, điều đó không có nghĩa là chúng tôi không yêu bố và mẹ. Mọi người quan niệm một gia đình an toàn cho con cái là có cha và mẹ, thực ra một gia đình không tình yêu mới là một gia đình mất an toàn nhất.
Hai mẹ con |
Từ nhỏ, chị em chúng tôi đã chứng kiến những xung đột của bố và mẹ. Những xung đột đó kéo dài trong suốt tuổi thơ của chị em tôi. Bản thân sự xung đột của hai người làm cho chúng tôi buồn chứ không phải là bố hai mẹ.
Tốt nhất là đừng xung đột nữa mà mỗi người có một cuộc sống riêng. Ngày đó, bố mẹ cứ nghĩ con trẻ thì không cần biết chuyện của người lớn nhưng chúng tôi lại không nghĩ vậy. Bố mẹ không giải thích về sự ra đi của hai người, chúng tôi tự lớn và tự hiểu tất cả.
Mẹ tôi, nhà văn Võ Thị Hảo, cho dù đến 80 tuổi thì mẹ vẫn hồn nhiên, cả tin, đáng yêu. Trong mẹ luôn luôn có một đứa trẻ 13 tuổi nhảy nhót. Mới đây, mẹ tôi vẽ tranh và mời một hoạ sỹ đến xem tranh. Người hoạ sỹ ấy nói rằng, tranh của mẹ rất đẹp, thế là mẹ reo lên, nhẩy cẫng sung sướng vỗ tay cười khanh khách.
Tôi chưa từng thấy người phụ nữ nào ngoài 50 tuổi nhẩy cẫng lên reo hò vì thích thú chuyện gì đó. Mẹ cũng là một người đãng trí. Ngày tôi còn nhỏ, có lần mẹ đặt tôi xuống đường và mua đồ ăn cho tôi, xong đó mẹ lên xe đạp đi bỏ tôi lại một mình. Mẹ đi làm về và rất ít khi mẹ nhớ rẽ đúng vào nhà mình mà thường đi quá một quãng xa.
Sau trận lạc đường đó, mẹ sáng tác một bài hát: "Người càng đi càng thấy hoang mang, trời càng đi càng tối". Bài hát đó mấy mẹ con hát trong mấy năm liền và cười rũ ra. Một lần nữa nhà hàng xóm bắt được một con tê tê, cả nhà hào hứng chạy sang xem, nhưng cũng chẳng thấy con tê tê có gì đặc biệt cả. Mẹ về nhà và đặt lời bài hát cho mấy mẹ con cùng hát: "Tê tê ơi, từ đâu mi tới", mỗi lần hát lại cười váng nhà.
Tất nhiên, dù yêu mẹ đến đâu chúng tôi cũng sẽ loại trừ một vài đặc điểm của mẹ. Việc bố và mẹ không ở bên nhau khiến cho các con mang theo nỗi buồn rất lâu trong những tháng năm dài.
Hôn nhân của mẹ là bài học chúng tôi chín chắn hơn khi bước vào hôn nhân của mình. Và chắc chắn chúng tôi sẽ không quyết liệt một cách cực đoan như mẹ mà biết dung hòa hơn để cuộc sống bớt sóng gió hơn.
Theo Dương Thục Anh
An Ninh Thế Giới