Tôi không bàn đến tội trạng của Hồ Duy Hải. Anh ta có tội sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Điều tôi muốn nói là tia hy vọng mong manh đã biến thành niềm tin sắt đá, từ đó chuyển thành sự xả thân vĩ đại của người mẹ đi kêu oan cho anh ta suốt hơn chục năm qua.
Hồ Duy Hải có tội sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng bà mẹ anh ta đã xả thân vĩ đại cho con dù chỉ còn tia hy vọng mong manh suốt 12 năm.
Những ngày đầu tháng 5, khi dịch COVID-19 tạm yên lắng, sự quan tâm của dư luận đổ dồn về cái tên Hồ Duy Hải khi vụ án mà Hải bị kết án tử hình được đưa ra xét xử giám đốc thẩm.
Nhiều người mong chờ kết quả xét xử không chỉ vì muốn biết kết luận cuối cùng của một vụ án nổi tiếng gây nhiều tranh cãi, mà còn hồi hộp cùng người mẹ đã dồn mọi tâm sức kêu oan cho con suốt 12 năm trời. Lúc đó, dù chưa biết Hải có thực sự bị oan hay không, người ta đồng cảm với nỗi khắc khoải, niềm hy vọng mãnh liệt của bà.
Hơn một thập kỷ ngược xuôi từ Nam ra Bắc, gõ mọi cánh cửa để “rải” đơn kêu oan, bà Nguyễn Thị Loan vắt kiệt cả sức lực và tài sản, nhưng tinh thần bị dày vò bởi nỗi lo sợ và thương xót của người mẹ chưa bao giờ vơi cạn. Chỉ một tia hy vọng mong manh cũng đủ để ngọn lửa đó bùng lên và bền chỉ cháy trên hành trình dằng dặc tìm cơ hội sống cho con trai.
Ngay cả khi tòa thông báo làm đơn xin nhận xác con sau khi Hồ Duy Hải bị thi hành án tử (dự kiến ngày 5/12/2014), bà Loan vẫn không nghĩ thế là hết, quyết định ra Hà Nội tiếp tục kêu oan. Trên đường đi, bà nhận được tin tạm hoãn thi hành án vào phút chót. Trái tim như muốn vỡ ra vì quá tải bởi những cảm xúc trái ngược dồn dập tới, người mẹ hạnh phúc vì được đi tiếp con đường gian khổ của mình.
Nỗi đau đớn của bà Nguyễn Thị Loan khi biết phán quyết của tòa giám đốc thẩm chiều 8/5. (Ảnh: Báo Người Lao Động)
Và rồi chiều 8/5, những người theo dõi vụ án lại chứng kiến trái tim đó vỡ ra lần nữa khi tòa giữ nguyên phán quyết của những lần xét xử trước đó. Tiếng khóc và vẻ mặt thống khổ, không cam lòng của bà Nguyễn Thị Loan xói thẳng vào tâm can bao nhiêu người.
Rõ ràng nếu có tội, Hồ Duy Hải sẽ phải trả giá. Nhưng thật đẹp đẽ biết bao tấm lòng người mẹ anh ta, đáng trân quý biết bao sự xả thân vĩ đại của bà.
Tôi còn nhớ trong lần offline với nhạc sỹ Phú Quang năm 2010, trước khi hát bài Mẹ, ông chia sẻ:
“Trong lần trở lại Hà Nội dịp kỷ niệm 1.000 năm này, người ta cứ hỏi tôi có viết được bài nào về Hà Nội không. Tôi chỉ mỉm cười, tôi có bài Mẹ. Bởi tôi yêu Hà Nội như mẹ, và chỉ cần như thế là đủ. Hà Nội mà được ai đó yêu như mẹ thì đã là niềm hạnh phúc rồi, vì chẳng có tình cảm nào lớn hơn tình mẹ nữa”.
Và nhạc sĩ tài hoa nhắn nhủ: “Các bạn cứ để ý mà xem, trong một phiên tòa khi đứa con bị kết án tử hình thì những người khác có thể hả hê, mãn nguyện, chỉ duy nhất người mẹ là bật khóc. Bởi trong lòng mẹ thì đứa con ấy dù có xấu đến đâu vẫn mãi chỉ là đứa trẻ. Mỗi chúng ta dù lớn như thế nào cũng vẫn là đứa trẻ trong mắt mẹ mà thôi. Chỉ khi mẹ mất đi rồi, chúng ta mới thực sự trưởng thành, thực sự là một người lớn…”
Tôi không nhớ chính xác từng câu từng lời của Phú Quang, nhưng ý diễn đạt lại là như vậy... Thế mới hay, tình yêu thương, sự hy sinh thầm lặng của mỗi người mẹ dành cho con mình chẳng có gì sánh được.
Những giọt nước mắt của mẹ vẫn lặng lẽ rơi như thế, giọt nước mắt trộn hòa cả niềm vui nỗi buồn, lo lắng và bao dung, rơi trên tháng năm và theo suốt bước chân mỗi người con cho đến khi trở về với cát bụi…
Tiếc thay trong xã hội, vẫn còn không ít người con chưa biết trả ơn, chưa báo hiếu công dưỡng dục của mẹ cha được một ngày mà vô tâm bóp nát trái tim họ với những ý nghĩ, việc làm bất thiện. Và người gánh thay những hậu quả đó cuối cùng không ai khác, vẫn là hai đấng thân sinh.
Dễ hiểu vì sao khi nghĩ về mẹ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khẳng định:
“Ở trái tim của mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có mất đi hoặc thêm vào gì nữa. Một người tình có thể ác độc với bạn, nhưng trong lòng người mẹ thì chỉ có từ tâm.
Sự ác độc mang đến giá băng trong lòng bạn, và chỉ có hủy diệt chứ không thể làm sinh nở một điều gì tốt lành. Chỉ có ở người mẹ, bạn mới tìm thấy lòng chung thủy tuyệt đối.
Hãy tin chắc rằng, không thể ở nơi nào có một lòng chung thủy như vậy nữa. Bởi vì đối với mẹ, bạn luôn là mục đích đầu tiên và sau cùng…”
Từ vụ án Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan thêm lần nữa khiến cho mỗi người làm con thấu hiểu: Có một thứ ánh sáng đẹp nhất soi lối cho mỗi chúng ta đi suốt cả cuộc đời, thứ ánh sáng luôn ấm áp yêu thương chưa từng vơi cạn. Đó là ánh sáng từ Mẹ và Cha.
Vậy nên với đạo làm con, khi trong tâm nảy ra những ý nghĩ bất thiện, trước khi làm những việc xấu xa, hại người, xin hãy nghĩ đến những người thân yêu, đặc biệt người mẹ của mình.
LƯƠNG ĐÌNH KHOA