Chiều mùng 1 Tết, một người đàn ông đi ôtô 7 chỗ trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Xuân An, thị xã Long Khánh, Đồng Nai.
Bé trai khoảng hơn 10 tuổi bước ra khỏi xe để sang bên kia đường. Khi quay lại xe, bé không quan sát nên một phụ nữ chở theo con nhỏ đang đi trên đường đụng phải. Không ai bị gì.
Nhưng, người đàn ông trong xe mở cửa lao ra và tát thẳng vào mặt người phụ nữ.
Ông ta hung hăng đòi đánh luôn cả những người can ngăn.
Đúng ra, ông ta phải xuống xe giúp đỡ người phụ nữ chở theo con nhỏ đi xe máy, hỏi han xem có bị gì không, sau đó dẫn cháu bé đến xin lỗi và dặn dò cháu khi đi qua đường phải quan sát cẩn thận, phải đi chậm để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác.
Nếu người đàn ông hành động như vậy sẽ có nhiều lợi ích, cho cháu bé.
Trước hết, cháu có bài học về an toàn giao thông, lần sau khi ra đường, chắc chắn cháu sẽ quan sát cẩn thận để tránh tai nạn.
Tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông đừng đợi đến nhà trường, xã hội, mà đầu tiên phải là cha mẹ, người lớn trong gia đình. Cha chở con đi xe máy lạng lách thì lớn lên thằng con làm "yêng hùng xa lộ" là cái chắc.
Điều quan trọng hơn, đó là cháu học được bài học yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và giúp đỡ người khác. Lòng nhân ái, yêu thương tha nhân, biết nói lời xin lỗi được giáo dục từ bé thì khi trưởng thành, con người ta sẽ sống như vậy. Và đó chính là căn bản bình an và hạnh phúc.
Còn với cách hành xử bằng cái tát tai vào người phụ nữ có con nhỏ, người đàn ông kia sẽ dạy cho cháu bé sự hung dữ, bạo lực. Cháu sẽ không thấy mình qua đường sai, gây nguy hiểm để lo tránh về sau, vậy thì có thể lần sau cháu bị tai nạn.
Và về sau, mỗi lần va chạm giao thông, cháu sẽ thấy lỗi của người khác, sẵn sàng lao vào tấn công và coi chừng có ngày mang họa.
Cho nên, người bị tổn thương ghê gớm nhất, sâu sắc nhất vì cái tát của người đàn ông kia chính là cháu bé chứ không phải ai khác.
Người đàn ông hung dữ kia sẽ nói gì đây với vợ con, gia đình, dòng họ mình, khi clip xấu xa kia mãi mãi còn trên mạng.
Nguồn: Báo Lao động