Trước đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong năm của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình bởi người lao động đã có quá nhiều ngày nghỉ.

Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối tháng 5, với đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch nếu trùng ngày nghỉ hàng tuần sẽ không được nghỉ bù và thêm 1 ngày nghỉ trong năm là Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7).

Đề xuất bổ sung nghỉ ngày lễ dịp 27/7 dựa trên một số ý kiến cho rằng đây là dịp để nhân dân có những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước.

42 1 De Xuat Nghi Ngay Le 277 Nghi Ngoi Qua Nhieu Cang Thiet Hai Cho Nen Kinh Te

Trước đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong năm, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình bởi người lao động đã có quá nhiều ngày nghỉ. 

Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến bày tỏ sự hưởng ứng đối với đề xuất vừa được Bộ LĐ-TB&XH nêu ra thì cư dân mạng cũng bàn tán xôn xao về chủ đề này, trong đó không ít ý kiến băn khoăn.

Trên mạng xã hội Facebook, nick Thuan viết: "Tri ân liệt sĩ, thương binh là điều đúng đắn, nhưng càng tri ân thì chúng ta càng phải ra sức làm việc nhiều hơn chứ nghỉ ngơi quá nhiều thì càng thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân và cả thu nhập của người lao động".

Cũng có cùng quan điểm này, bạn đọc Hoàng Việt phân tích: "Lễ nhiều quá năng suất làm việc sẽ không đạt. Sao không quy hoạch nửa năm cho người lao động nghỉ 1 tuần để về quê thăm gia đình, nghỉ lẻ tẻ không được gì còn tốn tiền nhậu?".

Nhấn mạnh mình không ủng hộ nghỉ ngày 27/7, bạn đọc Trần Anh Tường cho rằng người lao động nước ta không cần phải nghỉ thêm.

"Thứ nhất, nước ta đã có quá nhiều ngày nghỉ rồi, chưa kể nếu nghỉ vào thứ Năm thì nghỉ luôn thứ Sáu để nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, thành ra 4 ngày. Tương tự với thứ Ba (nghỉ thứ Bảy - Chủ nhật - thứ Hai - thứ Ba). Cho dù có bù thì cũng trên giấy tờ. 

Thứ hai, hiệu suất lao động sẽ cực thấp vì trước kỳ nghỉ thì 'nôn nao' nghỉ, còn nghỉ xong thì uể oải.

Thứ ba, nói về ý nghĩa thì mấy ngày nghỉ này chưa đạt được ý tưởng ban đầu. Ví dụ ngày giỗ Tổ Hùng Vương, có mấy ai về được đền Hùng ở Phú Thọ, ngược lại ngày đó tai nạn giao thông tăng đột biến, thanh niên trai tráng cờ bạc, rượu chè, kẹt xe, giá cả chặt chém...", bạn đọc Trần Anh Tường phân tích.

 

Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, chưa nên bổ sung ngày nghỉ 27/7 vào lúc này.

Theo ý kiến của ông Phạm Minh Huân, việc điều chỉnh tăng hay giảm số ngày nghỉ lễ của người lao động cần tính tới các tác động kinh tế xã hội.

“Năng suất lao động đang là một thế mạnh để cạnh tranh giữa các quốc gia trong xu thế toàn cầu và công nghệ 4.0. Trong khi đó, năng suất lao động của chúng ta còn khiêm tốn nếu so với các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực. Việc có thêm 1 ngày nghỉ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp” - ông Phạm Minh Huân nói.

Bổ sung nhận định về quy định nghỉ lễ hiện nay, vị nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói: “Luật Lao động 2012 đã khá nhân văn khi đảm bảo trọng vẹn ngày nghỉ của người lao động. Theo đó, nếu ngày nghỉ trùng vào ngày cuối tuần, người lao động vẫn được nghỉ bù vào ngày liền kề tiếp theo”.

Trong khi đó, đồng tình với đề xuất trên của Bộ LĐ-TB&XH, ông Lê Đình Quảng (Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng:

“Hiện nay, công chức và viên chức đang làm việc 40 giờ/tuần. Trong khi đó, Luật lao động quy định thời gian làm việc không quá 48 giờ/tuần.

Tại nhiều doanh nghiệp, người lao động vẫn làm việc tới 44 hoặc 48 giờ/tuần. Do đó, việc có thêm 1 ngày nghỉ cho người lao động là hợp lý, nhằm tái tạo sức lao động”.

Tính về tổng số ngày nghỉ lễ trong năm, ông Lê Đình Quảng cho rằng con số 10 ngày nghỉ lễ hiện nay là “chưa quá nhiều và cũng không quá ít”.

Đứng ở góc độ phát triển kinh tế, ông Lê Đình Quảng cho rằng, việc nghỉ 1 ngày cũng là cơ hội kích cầu mua sắm, thúc đẩy thương mại và dịch vụ.

“Phương án nghỉ vào dịp 27/7 có ý nghĩa riêng. Tuy nhiên, khi tham khảo ý kiến, chúng ta cũng nên quan tâm thêm tới phương án nghỉ kéo dài vào dịp Tết dương lịch. Điều này cũng phù hợp với xu thế của nhiều nước: Nghỉ dài ngày trong dịp đầu năm mới” - ông Lê Đình Quảng nói.

  • Ở Campuchia nghỉ 28 ngày/năm;
  • Brunei 15 ngày/năm;
  • Indonesia 16 ngày;
  • Malaysia 12 ngày,
  • Myanmar 14 ngày,
  • Philippine 12 ngày,
  • Singapore 11 ngày;
  • Thái Lan 16 ngày…
  • Trong khi hiện Việt Nam chỉ 10 ngày/năm…

 (Tổng hợp)

THỐNG NHẤT - VTC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC