Nhất là chị em phụ nữ Việt, ở đâu bán hàng là... xúm xít, rối rít, mua như chưa bao giờ được mua, mua như thể không mua là lỗ vốn. Có người lo xách hàng hóa có khi phải bỏ thêm tiền mua hành lý, rồi quên giấy tờ...
"Chị dành tặng người khác đi!"
Trải qua nhiều chuyến đi du lịch nước ngoài, chị Hồ Ngọc Trân, ở Q.3, TP.HCM vẫn chưa bỏ được cái bệnh... tha quà cáp về với ý định tặng mọi người. Hầu như tiền chi tiêu trong chuyến đi, chủ yếu chỉ để mua quà cáp.
Chị kể, hồi đi Bắc Kinh, bên tổ chức tour đưa đến xưởng ngọc thạch, nghe giới thiệu về sự tích, rồi "ngọc thạch là loại đá quý chỉ sau kim cương" tốt cho sức khỏe, đưa đến tài lộc may mắn mà giá thì không quá đắt. Chị và nhiều người trong đoàn... mua như được mùa, mua như thể không mua ngay cả đời hết dịp.
Không chỉ mua cho mình, không hiểu sao lúc đó đầu chị lại nghĩ đến bao nhiêu người từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm. Thế rồi chị khuân tính ra phải gần cả ký vòng tay, đeo cổ, đồ trang trí cẩm thạch... hết gần chục triệu đồng.
Nhiều người tốn tiền bạc, công sức, thời gian trong chuyến đi du lịch vì nặng nề chuyện quà cáp, mua sắm
Nhưng rồi về khi chị đem tặng mẹ và chị em trong nhà, mọi người cũng hững hờ. Đồng nghiệp cũng vui vui khi nhận quà, sau cũng không thấy ai dùng đến. Nhiều bạn bè ít khi gặp, khi gặp thì lại không mang theo, để lâu... qua dịp. Hay như bản thân chị cũng không dùng đến vì phối đồ không hợp. Cả chục chiếc vòng vứt chỏng chơ trong tủ.
Chuyến mới đây đi Thái, chị rút kinh nghiệm không mua quà đồ trang sức mà... chuyển qua mua hàng tiêu dùng, quần áo. Chị khuân một mớ xà bông, sáp thơm hình con thú của Thái tính về tặng mỗi người một miếng, mua khăn choàng của Thái, còn trẻ nhỏ chọn mỗi đứa bộ quần áo truyền thống của đất nước triệu voi.
Tour đi Thái chỉ hết 7 triệu, chị mua quà... cũng từng đó rồi về đau lòng đem bỏ. Về chị dùng miếng xà bông, mùi hắc và khó chịu vô cùng, lại ngại ngần không mang tặng. Rồi chị Trân tặng cho cô bạn hàng xóm một cái khăn choàng, một bồ đồ cho đứa con 6 tuổi. Cô bạn thật tình nói với chị, để dành tặng người khác cho đỡ tốn kém chứ... đồ này họ cũng không dùng.
Lúc này, chị mới giật mình nghĩ, mình tặng thời trang truyền thống của Thái, mấy ai có dịp dùng đến. Để làm lưu niệm thì họ cũng không có nhu cầu thật sự vì họ đâu phải là người trải nghiệm chuyến đi.
Chị gói đống quà cáp lại, ra cửa hàng Thái ở gần nhà mua ít bánh kẹo, hoa quả sấy cho mọi người ở cơ quan là xong. Ai cũng vui vẻ chứ chẳng ai trách "đi chơi về không có quà" như chị nghĩ,.
Sau nhiều lần mất tiền oan uổng, mang thêm bực tức vào người, đi chơi chị không còn câu nệ chuyện quà cáp. Giờ đi đâu chị chỉ mua một ít đặc sản nơi mình đến mang về cho mọi người nhâm nhi cho biết.
Đống đồ đạc linh tinh chị mua trong các chuyến đi trước đây, mới đây chị bấm bụng đem bỏ cho đỡ tức.
Mua quà, mang thêm cục tức
Rất nhiều người đi du lịch rất "nặng lòng" chuyện mua quà cáp cho mọi người. Họ dễ "rơi vào bẫy" mua sắm khi nhiều tour thường dẫn khách đến các điểm mua sắm, lưu niệm.
Không ít người dành hết tiền bạc, thời gian, công sức trong chuyến đi của bản thân để mua quà cáp, thậm chí ra sân bay cũng lật đật phải đi mua thêm. Nhưng nhiều thứ mang về không tặng được, không dùng được hoặc chờ gặp được nhau để tặng thì đã qua... mùa quýt.
Là một người hay đi du lịch, chị Lê Hoài Anh, ở TP.HCM kể, chuyện mua quà cáp khi đi chơi chủ yếu xuất phát từ tâm lý của người mua. Nhiều người khổ tâm vì tốn tiền mua quà, trong khi người xung quanh, không mấy ai câu nệ việc người khác tặng quà cho mình sau mỗi chuyến đi hay không.
Sau nhiều lần tốn tiền, tốn sức vì quà cáp, giờ đây chị Anh gần bỏ việc mua quà cáp về. Đi du lịch, trước hết bản thân mình phải thật thoải mái, không bị áp lực không đáng có. Chuyến đi trở nên nhẹ nhàng và bớt tốn kém hơn rất nhiều.
Nhất là chị em phụ nữ Việt, ở đâu bán hàng là... xúm xít, rối rít, mua như chưa bao giờ được mua, mua như thể không mua là lỗ vốn. Có người lo xách hàng hóa có khi phải bỏ thêm tiền mua hành lý, quên giấy tờ...
Với kinh nghiệm đi du lịch của mình, anh Phan Xuân Trung chia sẻ, chuyện ra nước ngoài mua sắm của dân mình là một chuyện dài. Có người mua hết dầu gội, dầu xả, đồ dùng, quần áo... mất sức, mất tiền mà có khi về lật ra đúng nghĩa "chở củi về rừng". Nhiều thứ ở Việt Nam đều có hết, về so giá lại mắc hơn nhiều.
Chưa kể nhiều sự cố trong mua đồ như nhầm size, hàng lỗi rất khó để xử lý, đành chịu mất. Trường hợp bạn anh Trung, mua dây chuyền bạc mua ở Singapore mang lên cổ vài ngày là đen thui, làm sao gửi trả lại mặc dù có bảo hành 6 tháng. Gọi hướng dẫn viên du lịch nhờ đổi giùm thì rất nhiêu khê, phiền phức. Đến nước vứt cũng chưa hết cục tức.
Theo Dân Trí