Chị Nguyễn Phước Huyền Anh (37 tuổi, Phú Nhuận, TP. HCM) đã quyết định trở về Việt Nam sinh sống sau một khoảng thời gian dài định cư tại nước ngoài.
Cuộc sống ở trời Tây luôn khiến chị cảm thấy không thuộc về nơi này, không làm công việc đúng chuyên môn yêu thích và được là chính mình.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, Huyền Anh đã để lại những lời nhắn gửi cho “Giấc mơ định cư của người Việt tại nước ngoài”. Bài viết đã nhanh chóng nhận được hơn 9.000 lượt thích và 7.000 lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng.
Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác vất vả tìm việc, nhưng vẫn thất nghiệp 1 năm ở Úc, 1 năm ở Pháp, trong khi CV của mình không đến nỗi tệ. Tôi từng làm các vị trí quản lý cấp cao về Marketing trong các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, tôi vẫn chỉ là một người nhập cư nói tiếng Anh/Pháp dù trôi chảy đến cỡ nào, còn kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam khi ra thế giới không là gì.
Đang tự do làm việc mình yêu thích với mức lương tốt, cuộc sống sung túc, tự dưng tôi trở thành một bà nội trợ bất đắc dĩ nơi đất khách quê người.
Mỗi buổi sáng mở mắt ra là tất bật lo cho con nhỏ, suy nghĩ hôm nay ăn gì, đẩy xe nôi đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp bếp, cho con ngủ trưa, đợi chồng đi làm về buổi tối… ngày qua ngày đều lặp lại buồn tẻ, ảm đạm như thế!
Có lúc tôi cũng tham gia các khoá học ngắn hạn do chính phủ tài trợ để có dịp gặp gỡ người này người kia, trau dồi thêm kiến thức… nhưng vẫn luôn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó và không được là chính mình.
Cuối cùng tôi cũng tìm được công việc đúng ngành nghề ở Pháp, lương tốt, nhưng môi trường làm việc không thân thiện khiến tôi chẳng còn đủ sức mở mắt dậy đi làm mỗi ngày.
Có lần tôi nói chuyện với một chị nấu bếp ở khu vực bán đồ ăn trong siêu thị ở Pháp, chị vốn có bằng Tiến sĩ Hạt nhân nhưng không tìm được việc đúng chuyên môn ở Pháp. Vì lý do ngành này liên quan đến quốc phòng nên phải có quốc tịch Pháp. Thế là chị chấp nhận đi nấu ăn với mức lương cơ bản đủ sống qua ngày.
Công việc vốn đã ít thuận lợi là thế, mọi việc trong cuộc sống cũng rất vất vả. Tôi còn nhớ, 2 vợ chồng tôi cuối tuần nào cũng phải gửi nhờ con ở nhà bạn, thuê xe tải nhỏ đi khuân đồ nội thất về, sau đó trong tuần phải tranh thủ buổi tối khi con ngủ để dựng từng miếng gỗ để ráp thành cái bàn, cái ghế, cái tủ, cái giường… y như chơi Lego vậy! Tôi không phải đứa sợ việc vất vả nhưng nếu được lựa chọn, tôi thích tập trung làm những việc mình giỏi, sau đó thuê người khác làm những việc mình không thích. Nhưng ở nước ngoài, thuê người hay thuê dịch vụ trở thành thứ xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu.
Chưa kể ở các xứ lạnh, vào mùa đông là tuyết rơi ngập đường. Nhìn trên phim thấy cảnh tuyết rơi đẹp bao nhiêu thì thực tế lại phũ phàng bấy nhiêu. Cái lạnh tê tái của mùa đông khiến chẳng ai muốn ra đường, tuyết phủ dày trên kính xe, đường lại trơn trượt, đi xe thì phải gắn thêm xích cho khỏi trượt, đi bộ thì dễ té… Bầu trời mùa đông vừa xám xịt vừa lạnh lẽo lại càng khiến cho tâm trạng dễ buồn và nhớ quê nhiều hơn.
Ở Việt Nam tôi như cá gặp nước, ở nước ngoài thì là con cá trèo cây và chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc trong chuỗi ngày mưu sinh ấy. Tuy vậy, thời gian du học tại Pháp lại là một trong những khoảng thời gian vui vẻ và đáng nhớ nhất. Vì lúc đó tôi chỉ phải lo học rồi đi chơi, đi du lịch cùng bạn bè, không vướng bận gia đình, gánh nặng mưu sinh.
Cùng là một mảnh đất nhưng sẽ cho bạn những cảm xúc khác nhau khi đi du lịch, đi công tác, đi học hay đi định cư. Du lịch thì chúng ta đi với tâm thế của người khám phá, còn đi định cư thì phải thật sự cân nhắc xem mình có chịu nổi áp lực từ cuộc sống hàng ngày hay không. Tháp Eiffel là điểm đến mơ ước của rất nhiều du khách, nhưng nhiều người dân Paris thậm chí còn chưa từng đặt chân đến đấy thôi!
7 năm ở Pháp, 1 năm ở Úc và đi du lịch cũng kha khá các nước Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á,… tôi cũng hiểu phần nào cuộc sống nơi đất khách. Ai đang cân nhắc về vấn đề định cư nước ngoài thì thử trả lời các câu hỏi sau trước khi quyết định nhé!
1. Vì sao bạn muốn định cư nước ngoài?
Nếu câu trả lời là tôi đi vì muốn có 1 trải nghiệm mới, nắm bắt 1 cơ hội mới thì hãy cứ đi. Nhưng đừng bao giờ đóng luôn cánh cửa quay về Việt Nam. Vì chưa chắc bạn sẽ cảm thấy thích hợp với cuộc sống nơi đất khách đâu. Cứ đi, nhưng biết đâu là để trở về!
Nếu câu trả lời là vì bạn chán ghét Việt Nam thì hãy suy nghĩ lại, đất nước cũng như con người, nơi nào cũng có ưu khuyết điểm cả. Mỹ là cường quốc kinh tế thế giới nhưng cũng chính là “thiên đường” của súng đạn, của thức ăn công nghiệp, lối sống thực dụng, vật chất… Pháp là đất nước tự do, nhân văn với kho tàng văn hoá, kiến trúc đồ sộ, chế độ an sinh xã hội cực tốt… nhưng cũng là nơi suốt ngày có biểu tình, thuế nặng… Úc là 1 đất nước có thiên nhiên xinh đẹp, khí hậu ôn hoà nhưng đời sống đắt đỏ, xa xôi cách trở và có tỷ lệ ung thư da cao nhất thế giới.
Hãy luôn hỏi bản thân lý do vì sao bạn muốn đi nước ngoài định cư.
Tuy Việt Nam có nhiều điều bất cập nhưng cũng có nhiều điểm sáng mà chỉ có khi đi xa mới thấy có giá trị, như ẩm thực đặc sắc, phong phú, dịch vụ tốt và rẻ, ngoài ra còn có gia đình và bạn bè (ở nước ngoài, cho dù bạn có cố gắng hoà nhập đến mấy thì vẫn có cảm giác mình là một người khách lạ mà thôi).
Nếu câu trả lời là bạn đi vì tương lai con cái thì hãy hỏi con bạn xem liệu chúng có đang hạnh phúc hay không? chúng có nhu cầu đi nước ngoài hay không?… chứ đừng tự quyết định giùm. Thường là con nít chả đòi hỏi nhiều, nó chỉ cần có ba mẹ luôn yêu thương và ủng hộ nó thì dù nhiều tiền hay ít tiền, ở trên mảnh đất nào đi chăng nữa, chúng vẫn sẽ hạnh phúc.
Nhiều gia đình đi vì con nhưng sau đó lại lục đục nơi xứ người do không chịu nổi áp lực cuộc sống, mà cha mẹ không hạnh phúc thì làm sao có thể đem lại hạnh phúc cho con? Hãy cố gắng nuôi con bằng tình yêu thương, sự quan tâm nhiều nhất có thể, sau đó đến năm 18 tuổi gửi con đi du học theo nguyện vọng của con cũng không muộn. Chưa kể đến chuyện trẻ con đi học nước ngoài trước 18 tuổi sẽ tiếp thu tư tưởng kiểu Tây, điểm sáng cũng nhiều nhưng mặt trái cũng không ít. Rồi con cái lớn lên cũng ít chia sẻ hay gần gũi với ba mẹ hơn.
Còn nếu nói về sự thành đạt, mình không chắc là các bạn Việt kiều giỏi hơn hay giàu có hơn các bạn Việt Nam. Dĩ nhiên môi trường giáo dục tốt là một điều kiện thuận lợi, nhưng đó không phải là tất cả. Một đứa trẻ có nên người hay không, giỏi giang hay không còn tuỳ vào sự uốn nắn của ba mẹ và tố chất riêng của nó nữa cơ mà.
Hãy chọn nơi khiến bạn hạnh phúc nhất rồi con bạn sẽ hạnh phúc theo! Đừng dọn đến một nơi mà bạn nghĩ là con bạn sẽ hạnh phúc, còn bạn như thế nào không quan trọng!
2. Bạn đã tìm hiểu kỹ về đất nước mình muốn định cư lâu dài chưa?
Nhìn bảng xếp hạng các nước đáng sống nhất trên thế giới thì phần lớn là các nước Bắc Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Tuy nhiên, các tiêu chí dùng để đánh giá thì chỉ mang tính định lượng như tuổi thọ, giáo dục, bình đẳng giới, tài chính; mà không thể hiện được tính định tính, nghĩa là cảm xúc của mỗi con người. Chưa có ai dám nói người hạnh phúc nhất là người sống lâu nhất, học cao nhất, được đối xử bình đẳng nhất hay giàu có nhất cả. Vậy bạn có chắc là bạn sẽ hạnh phúc hơn khi sống ở một nước nằm trong danh sách quốc gia đáng sống đó không?
Trước khi quyết định định cư ở đâu đó, ngoài việc biết vì sao mình muốn đi, bạn còn cần phải tìm hiểu thật kỹ về mọi chính sách và thực tế cuộc sống tại đất nước đó nữa.
Ví dụ như hồi mình ở Pháp, công nhận là an sinh xã hội rất tốt, đặc biệt là cho đối tượng không có thu nhập hoặc thu nhập thấp (sinh viên, thất nghiệp). Nhưng khi mình bắt đầu đi làm và đóng thuế thì nhìn bảng lương thấy đã bị cắt bớt 23% cho các khoản bảo hiểm xã hội, mua nhà mua xe cũng tốn khác nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc, rồi hàng năm phải đóng các khoản thuế đủ thứ tên khác: thuế GTGT 20%, thuế TNCN, thuế tài sản, thuế nhà, thuế nghe nhìn (TV), thuế năng lượng, thuế rác thải… Không có cái gì là miễn phí đâu, muốn nhận trợ cấp hay hưởng chế độ an sinh tốt thì phải đóng thuế nhiều.
Đi khám bệnh tuy là không tốn tiền nhưng nhiều khi phải ngồi chờ cả buổi, hay lấy hẹn từ trước đó cả tuần hoặc cả tháng, tuỳ là khám tổng quát hay chuyên khoa. Có lúc chờ đến lượt khám bệnh thì bệnh cũng đã tự hết hoặc chuyển nặng thêm rồi.
Còn khi gửi con đi học thì phải theo tuyến, vậy nên lúc chọn thuê hay mua nhà cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Khu có trường tốt thường là nhà giá cao, còn nhà rẻ thường nằm trong khu lộn xộn và dĩ nhiên chất lượng trường học cũng bị ảnh hưởng theo. Học phí gần như là miễn phí cho mọi công dân nhưng các phụ phí khác: ăn trưa, hoạt động ngoại khoá… lại chênh lệch rất nhiều giữa các gia đình tuỳ theo thu nhập. Các gia đình nhận trợ cấp thì phải đóng rất ít, còn nếu ba mẹ cùng là cấp bậc quản lý có khi phải trả các khoản phụ phí gấp chục lần các hộ “nghèo”.
Bạn mình còn xin nghỉ nửa buổi đi làm để xếp hàng đăng ký học ngoại khoá cho con mà vẫn không có chỗ, vì có những phụ huynh ở nhà nên thời gian rảnh rỗi hơn và đã xếp hàng từ sớm!
Thật lòng mà nói, nếu muốn an sinh tốt, bạn phải sẵn sàng đóng thuế cao ở các nước phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu có thu nhập cao, bạn vẫn có thể dành ra một khoản tiền để mua bảo hiểm hay đầu tư để chi trả cho các khoản chi phí giáo dục, y tế cao cấp. Một bên là các khoản dự trữ bắt buộc do chính phủ thu thông qua thuế, một bên là các khoản dự trữ tự nguyện do bạn tự cân đối theo nhu cầu của mình, thực tế là không có gì khác nhau.
3. Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng về vật chất và tinh thần chưa?
Nhiều người suy nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần bán hết nhà cửa và thu gom tài sản chuyển qua nước ngoài là xong. Nhưng các bạn nên biết, chi phí sinh hoạt ở các nước phát triển đắt đỏ hơn ở Việt Nam rất nhiều, đôi lúc bán một căn nhà to ở trung tâm thành phố lớn ở Việt Nam cũng chỉ đủ mua một căn hộ nhỏ ở ngoại ô nước ngoài, nhiều khi không đủ tiền phải vay nợ mấy chục năm. Nhiều người nghĩ ra nước ngoài ai cũng mua được nhà và xe, nhưng không biết rằng phần lớn là phải vay ngân hàng để mua và mất cả đời để trả nợ. Rồi hoá đơn hàng tháng, tiền thuế hàng năm phải trả cũng là những khoản tài chính khổng lồ dễ gây stress.
Về tinh thần thì hật khó có thể giải thích được hết nỗi lòng của người tha hương, nhiều khi phải đi xa rồi mới thấm thía được thế nào là nỗi nhớ từng góc phố, từng món ăn, khoảnh khắc ấm áp bên gia đình, bạn bè… Ở các nước phát triển thì chủ nghĩa cá nhân được đề cao, cộng thêm cuộc sống mưu sinh bận rộn khiến chả mấy ai quan tâm đến nhau. Hàng xóm mạnh ai nấy sống, đồng nghiệp cũng chỉ xã giao cười nói trong công việc,… Thế nên mới có nhiều cộng đồng người Việt ra đời để bầu bạn với nhau. Tuy nhiên, đôi khi những người Việt trong cộng đồng cũng không hẳn là hợp tính hay cùng tần số với mình để có thể trò chuyện rôm rả. Nhưng làm gì có nhiều sự lựa chọn. Ở đây chỉ giới hạn giữa chọn bạn Tây hay bạn ta, chứ không còn là chọn bạn có cùng tính cách hay cùng sở thích nữa.
Cuộc sống đắt đỏ và bận rộn như một guồng quay công nghiệp nuốt chửng từng người vậy.
Trong tuần ai cũng bận đi làm đến 6-7h tối mới trở về nhà, tất bật cơm nước, lo cho con cái xong thì cũng chỉ muốn leo lên giường ngủ. Cuối tuần thì sáng thứ 7, nhà nào cũng lo đi siêu thị mua sắm cho cả tuần, sau đó thì dọn dẹp nhà cửa hết ngày, đến chủ nhật thì đưa con ra công viên chơi hoặc hẹn hò ăn uống (vì mọi hoạt động vui chơi giải trí hay nhà hàng đều đắt đỏ, đi nhiều là không có tiền trả nợ ngân hàng).
Trong khi đó, cuộc sống của một gia đình trung lưu ở Việt Nam thường có người giúp việc lo toan, rồi buổi tối có thể hẹn hò ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp, cuối tuần gia đình cũng tha hồ đi mua sắm ăn chơi hay đi du lịch gần xa mà không phải lo nghĩ gì về tài chính.
Nếu bạn đã chuẩn bị tinh thần cho các thử thách đó thì bạn có thể đi thử một năm cho biết liệu gia đình mình có thích cuộc sống đó không? Nếu chỉ đi vài ngày hay một tháng kiểu thăm dò thì bạn vẫn chỉ là khách du lịch cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, chưa kịp thấm thía nỗi nhớ nhà, sự cô đơn hay các áp lực dồn dập từ cuộc sống thường ngày đâu!
Nguyễn Phước Huyền Anh, Tuấn Lê
Nguồn: saostar.vn