Người lãnh đạo đừng nên cho mình đứng trên dân, ứng xử theo cách “nhìn từ trên xuống”, và đặc biệt, không được lợi dụng quy định của Nhà nước để phục vụ cho cá nhân mình

42 1 Dung De Van Ban Nao Tao Dac Quyen Dac Loi Cho Can Bo

Hình ảnh xe biển xanh vào tận chân máy bay đón Phó bí thư Phú Yên và người nhà.

Từ vụ xe biển xanh vào sân bay đón Phó bí thư Phú Yên, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc tạo điều kiện cho lãnh đạo là hợp lý, song đừng để văn bản ban hành tạo đặc quyền cho cán bộ.

Câu chuyện xe biển xanh vào tận chân máy bay để đón Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên Lương Minh Sơn và người nhà vừa qua gây nhiều phản ứng trong dư luận dù Tỉnh ủy Phú Yên và "người trong cuộc" đã lên tiếng khẳng định việc này đúng quy định.

Câu chuyện này một lần nữa đặt ra vấn đề có nên tạo cho cán bộ lãnh đạo những đặc quyền, đặc lợi?

Chứng tỏ mình có đặc quyền sẽ không có lợi

Chia sẻ với Zing, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng ở xã hội nào cũng vậy, dù cán bộ có chức quyền và được hưởng đặc quyền, dư luận xã hội vẫn không thoải mái với chuyện đó. Tâm lý chung, người dân luôn mong có sự bình đẳng nên cán bộ chức vụ càng cao, càng khiêm tốn và giản dị thì càng được nhân dân đánh giá cao.

“Mình đấu tranh cho bình quyền mà lại luôn chứng tỏ mình có đặc quyền thì xã hội sẽ phản ứng, không ủng hộ, không đánh giá cao”, ông Dũng nói.

42 2 Dung De Van Ban Nao Tao Dac Quyen Dac Loi Cho Can Bo

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chính khách phải biết giữ gìn hình ảnh trước công chúng. Ảnh: Hoàng Hà.

Dù theo Thông tư của Bộ GTVT, Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thuộc diện được xe đưa đón. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, có tiêu chuẩn là một chuyện, còn lãnh đạo xuất hiện trước công chúng thế nào lại là chuyện khác.

Thông tư 13/2019 về An ninh hàng không của Bộ GTVT quy định nhiều chức danh được ưu tiên trong việc đưa đón tại khu vực hạn chế của sân bay, gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bộ trưởng và các chức vụ tương đương trở lên; Bí thư, Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thứ trưởng của 3 bộ gồm Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Phó tổng tham mưu trưởng, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng phạm vi áp dụng như vậy là quá rộng, chỉ nên áp dụng với cấp lãnh đạo cao nhất.

Ông phân tích việc đối xử đặc biệt, ưu ái với quan chức cấp cao cũng là tạo điều kiện cho họ về mặt thời gian, bởi họ rất bận, khi được tạo điều kiện, họ sẽ làm được nhiều việc hơn. Nhưng cần lưu ý bởi các quy định này dễ tạo ra những đặc quyền, đặc lợi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh trước công chúng của cả hệ thống.

“Văn bản ban hành mà tạo đặc quyền, đặc lợi lớn thì không hợp lý”, ông nói.

Xét ở góc độ hành xử của người lãnh đạo, ông Dũng nhấn mạnh "đã là chính khách phải biết giữ gìn hình ảnh trước công chúng".

"Lúc nào anh cũng chứng tỏ mình có đặc quyền, đặc lợi thì không có lợi cho bất cứ bản thân chính khách nào, cũng không có lợi cho cả hệ thống chính trị. Ngược lại, anh càng khiêm tốn, càng hòa đồng thì càng có hình ảnh công chúng hấp dẫn hơn, được xã hội trân trọng hơn”, TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Riêng việc “kết hợp” cho người nhà đi cùng, dù không có văn bản nào quy định cấm, ông Dũng cho rằng theo chuẩn mực công vụ là không được, vì việc đó sẽ dẫn đến “công tư lẫn lộn”.

“Mình có tiêu chuẩn nhưng không có nghĩa là con cháu mình có tiêu chuẩn đó. Việc người nhà lãnh đạo cũng được hưởng đặc quyền sẽ gây phản ứng, ở mức nào đó, đó chính là sự bất bình của xã hội”, ông Dũng nói.

Ông cũng nhìn nhận sự việc vừa qua ở Phú Yên là một bài học kinh nghiệm, người lãnh đạo cần biết công chúng phản ứng thế nào, coi trọng giá trị gì để đề cao cái đó và có sự điều chỉnh.

Tạo đặc quyền cho cán bộ rất khó được chấp nhận

Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lại nhấn mạnh sự việc ở góc độ trách nhiệm nêu gương của cán bộ.

Theo ông, đang trong thời kỳ chuẩn bị đại đội các cấp mà cán bộ, lãnh đạo không giữ mình, để dân phản ứng, đó là điều đáng trách.

Ông Túc cũng nhắc lại trước sự việc này đã có không ít trường hợp cán bộ sử dụng xe biển xanh không phù hợp và bị dư luận phản ứng.

Từ đó, ông cho rằng ứng xử của các lãnh đạo cấp cao ở cả Trung ương và địa phương luôn được nhân dân chú ý, nhìn vào, vì vậy cần phải chú ý cách ứng xử trước công luận.

Trong mọi trường hợp, ông Túc cho rằng các hành động tạo ra đặc quyền, đặc lợi đối với mỗi cán bộ, lãnh đạo đều rất khó chấp nhận.

“”, ông Túc nhấn mạnh.

 

 

Theo: ZING.VN

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC